Theo SSI Research, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến tăng trưởng rất mạnh và lần đầu tiên, chỉ số VN-Index thiết lập kỷ lục 1.500 điểm vào tháng 11. Trên thị trường, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng có sức bật mạnh rất, tăng bình quân 36,6% so với cuối năm 2020.
Đặc biệt, các cổ phiếu có hiệu suất cao nhất bao gồm Seabank (SSB), TPBank (TPB), Liên Việt Post Bank (LPB), Maritime Bank (MSB) và VPBank (VPB), với mức tăng giá trên 90% so với đầu năm.
Các cổ phiếu tăng khoảng 50%-90% bao gồm MBBank (MBB), Techcombank (TCB), Sacombank (STB), OCB Bank OCB, VIB và SHB. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng thương mại nhà nước có mức tăng giá kém khả quan trong năm 2021.
Nhận định triển vọng tăng trưởng trong năm 2022, SSI Research khẳng định, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm tới.
Tuy nhiên, nhóm ngành ngân hàng sẽ chịu ít nhiều tác động của một số quy định mới. Trong đó, từ ngày 15/1, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn.
Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6, sau đó số liệu nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ tại các ngân hàng.
Bên cạnh đó, do tác động mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam và hai thời hạn quan trọng này, SSI Research duy trì quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng.
SSI Research dự báo, lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng trong năm 2022 có thể tăng 21% so với năm 2021. Trong đó, các ngân hàng TMCP tư nhân ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 22% so với năm 2021.
Trong khi đó, với ngân hàng TMCP quốc doanh, SSI Research dự đoán sẽ tăng khoảng 19% so với năm 2021. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của khối các ngân hàng tư nhân cao hơn khối ngân hàng quốc doanh, do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.
Tăng trưởng ước tính mạnh hơn bắt đầu từ quý II/2022 đối với CTG (Vietinbank), MBB (MBBank) và VCB (Vietcombank).
Tuy nhiên, SSI Research cảnh báo mặc dù định giá đã quay về mức hợp lý hơn sau khi đã mức đỉnh hồi tháng 7/2021, PB 2022 các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu hiện ở mức 1,6x, vẫn cao hơn so với mức trung bình lịch sử.
“Chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh giảm phản ánh rủi ro nợ xấu chưa rõ ràng và triển vọng kém khả quan hơn của nửa cuối năm so với nửa đầu năm 2021”, báo cáo của SSI Research nêu.