Những chuyển biến của ngành thời trang trong năm 2018

Năm nay, ngành thời trang không chỉ chờ đón những tin tức mới mẻ mà còn đón nhận những kết quả có được từ những thay đổi trong năm ngoái.
Những chuyển biến của ngành thời trang trong năm 2018

Có thể nói 2017 là năm có nhiều sự thay đổi về bộ máy của các thương hiệu, là sự đi và đến của những vị giám đốc sáng tạo và nhiều vị trí điều hành khác. Sự luân chuyển nhân sự được diễn ra với kỳ vọng đem lại luồng sinh khí mới cho các thương hiệu trong thời buổi cạnh tranh cao như ngày nay cũng là điều dễ hiểu.

Những thương hiệu như Chloé, Givenchy, Roberto Cavalli, Jil Sander, Lanvin sẽ bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh đầu tiên do bộ sưu tập của các giám đốc sáng tạo mới mang lại. Burberry và Celine sẽ đồng loạt công bố người thay thế Christopher Bailey và Phoebe Philo, trễ nhất vào Tuần lễ thời trang Xuân - Hè 2019.

3 vị CEO mới được bổ nhiệm trong năm 2017 của các thương hiệu Burberry, Dior và Fendi cũng là những nhân vật đáng chú ý nhất. Marco Gobbetti với những đối sách nhằm cải tổ Burberry đang được kỳ vọng sẽ tạo nên đổi thay kỳ diệu cho thương hiệu thời trang nổi tiếng của xứ sở sương mù sau một giai đoạn không thu được nhiều thành công. Sid Toledano của Dior nay lên chức Chủ tịch Tập đoàn LVMH và người thay thế ông là Pietro Beccari đến từ Fendi.

Sự có mặt của những vị lãnh đạo mới hẳn sẽ tạo ra nhiều thay đổi rõ nét cho các thương hiệu, thậm chí cho cả ngành thời trang.

Công nghệ đang và sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thời trang. Đầu tiên phải kể đến lĩnh vực thương mại điện tử khi những tay chơi giàu kinh nghiệm ngày càng có những chiến lược tranh giành thị phần. Thương hiệu Farfetch hy vọng Natalie Massenet – người sành sỏi trong ngành bán lẻ thời trang cao cấp qua mạng – sẽ tiếp tục thúc đẩy và củng cố vị trí dẫn đầu của mình.

Amazon cũng không là ngoại lệ khi có ý đồ phát triển tập trung vào cá nhân song song với chiến lược đánh vào thị trường tầm trung rộng lớn. Vì thế, một số tay chơi khác cần phải tăng tốc nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chiến, điển hình là thương hiệu Neiman Marcus.

Xu hướng cộng tác giữa các thương hiệu đã lan rộng và phát triển lên một tầm cao mới. Những cái bắt tay của các thương hiệu cao cấp với nhau mang lại không chỉ những sản phẩm chất lượng cao mà còn có sự bảo chứng từ 2 tên tuổi uy tín trong làng thời trang, mà một trong hai có thể là một thương hiệu thời trang đường phố được giới trẻ ưa chuộng.

Trong khi đó, những sự hợp tác với dòng thời trang tầm trung đang dần bị nhạt nhòa mất vì các thương hiệu lớn không dễ dàng gì tìm kiếm được một thương hiệu mới nổi có đủ năng lực thu hút mạnh khách hàng để ký hợp đồng.

Nhiều thương hiệu thời trang như Gucci, Giorgio Armani hay Michael Kors tuyên bố sẽ ngưng sử dụng lông thú, cho thấy xu hướng về thời trang xanh càng ngày càng được quan tâm qua những chất liệu mới có tính năng đặc biệt hay các khâu sản xuất có sự xuất hiện của công nghệ thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, thời trang thông minh vẫn tiếp tục được thử nghiệm nhằm tạo nên xu hướng hiện đại hơn, mang lại sự tiện lợi hơn cho người sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Ngành thời trang ngày càng đa dạng về màu da và hình thể người mẫu

Trong lĩnh vực người mẫu thời trang, những người mẫu trẻ có gốc gác nổi tiếng như Kendall Jenner, Gigi và Bella Hadid và nổi bật nhất là Kaia Gerber sẽ tiếp tục có cơ hội tỏa sáng. Đó là những gương mặt được giới trẻ, những người thuộc thế hệ Z (sinh ra sau năm 2000) yêu thích và coi là thần tượng.

Bên cạnh đó, sự đa dạng của người mẫu về màu da và hình thể cũng sẽ bùng nổ hơn sau những phản hồi tích cực đối với các sàn diễn từ tháng 9 năm ngoái. Những thay đổi này sẽ phá vỡ định kiến về khuôn hình chuẩn của một người mẫu mà lâu nay đã được đóng khung.

 Theo Doanhnhanplus

Có thể bạn quan tâm