Nợ nước ngoài quá hạn hơn 10.500 tỷ đồng: Gánh nặng DNNN

Gánh nặng vay nợ nước ngoài đổ lên vai Chính phủ là chính và khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, Chính phủ đứng ra trả nợ thay.
Nợ nước ngoài quá hạn hơn 10.500 tỷ đồng: Gánh nặng DNNN

Ai trả nợ cho DNNN?

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, tính đến ngày 31/12/2016, dư nợ nước ngoài của Chính phủ là hơn 947 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,8% nợ Chính phủ. Trong số đó thì dư nợ các khoản Chính phủ cho vay lại đối với các khách hàng, dự án là gần 316 nghìn tỷ đồng.

Có 60 dự án chuyển nợ quá hạn gồm cả gốc, lãi, phí, tương đương với 10.556 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là nợ quá hạn của Vinashin (hơn 8.100 tỷ đồng), còn lại là các dự án khác.

Đây hầu hết là các dự án được thực hiện trước năm 2010, do sử dụng vốn không hiệu quả, gặp khó khăn trong việc trả nợ, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ.

Nhìn vào những con số trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nợ vay nước ngoài của Việt Nam lớn lên rất nhanh dù đã có nhiều khuyến cáo về việc vay nợ nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, an ninh tài chính quốc gia...

Phần lớn các khoản vay được Chính phủ vay về rồi cho vay lại, hoặc đứng ra bảo lãnh cho một số doanh nghiệp lớn vay. Đặc biệt, đây chủ yếu là những dự án được thực hiện khoảng 10 năm trước, thuộc các DNNN được Nhà nước bảo lãnh vay nợ, như Vinashin, Vinalines... và các doanh nghiệp này không trả được nợ. Nợ đó chuyển thành nợ Chính phủ và Chính phủ đang có một số cách xử lý nợ này.

Theo đó, một phần Việt Nam xin đảo nợ, khất nợ với các chủ nợ và việc này chủ yếu do các doanh nghiệp vay nợ đứng ra đàm phán.

Đối với một số dự án, nhất là những dự án đầu tư vào nông nghiệp, một số chương trình không có khả năng trả nợ, Chính phủ dùng quỹ tích lũy trả nợ để trả thay, sau đó sẽ tính cách để thu hồi nợ, hoặc coi như đó là vốn ngân sách cấp cho các chương trình, dự án này.

Còn lại, các khoản nợ khác, về cơ bản Việt Nam trả được nợ.

"Nợ nước ngoài quá hạn của Chính phủ chủ yếu là tồn đọng từ giai đoạn trước và chủ yếu do Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho DNNN vay nợ và nó trở thành gánh nặng của Chính phủ. Trước đây việc bảo lãnh tương đối dễ dàng, trong khi việc xem xét hiệu quả dự án không đến nơi đến chốn, hệ quả là nợ quá hạn lớn", ông Thịnh cho biết.

Dù Chính phủ đã nhiều lần khẳng định chủ trương Chính phủ không gánh nợ cho DNNN, tuy nhiên với những khoản nợ đã tồn tại từ trước và bị quá hạn, Chính phủ vẫn phải đứng ra trả thay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dẫn trường hợp Vinashin làm ví dụ điển hình. Khoản vay 750 triệu USD khá lớn và đến kỳ trả nợ, hầu như Việt Nam không trả được. Lãi suất nợ vay thời điểm đó được coi là thấp nhưng dù sao vẫn là lãi suất thị trường nên không phải rẻ gì, trong khi đó hiệu quả thì ngay khi sử dụng đã thấy vấn đề.

"Khoản vay 750 triệu USD chỉ khoảng 10 ngày sau nó đã về đến Việt Nam và Chính phủ lại đẩy hết cho Vinashin, mà khi bắt đầu vay nợ thì phải tính lãi ngay từ ngày vay nợ. Số tiền ấy làm sao Vinashin "nuốt trôi"! Lãi thì vẫn tính nhưng hiệu quả thì không thấy đâu nên có thể nhìn thấy ngay khả năng không trả được nợ.

Đến kỳ hạn trả nợ, Vinashin không trả được, các chủ nợ cũng đưa ra chuyện đòi nợ ở tòa án và các các vấn đề khác liên quan để kiện cáo.

Chính phủ Việt Nam đã phải đàm phán để cho chậm trả và để chủ nợ cho vay lại nhằm giúp Vinashin tái cấu trúc khoản nợ với thời gian vay nợ dài hơn, từ đó có thể trả được nợ. Nếu Vinashin không trả được nợ thì Chính phủ phải đứng ra trả thay vì đây là khoản nợ Chính phủ đứng ra vay và giao cho Vinashin xử lý ", vị chuyên gia nói.

Ngoài Vinashin, đối với các khoản nợ nước ngoài quá hạn tồn tại từ trước, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ cũng phải đứng ra trả nợ khi các dự án, chương trình không có khả năng trả nợ.

"Gánh nặng vay nợ và trả nợ nước ngoài dồn lên vai Chính phủ là chính. Hiện nay, nợ của các doanh nghiệp tự vay cũng có, nhưng chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp lớn trong nước cũng khó lòng tự vay nợ được, ngoài các khoản tồn đọng từ trước bởi khoản tự vay tự trả trên thị trường có lãi suất cao, các điều kiện về hoa hồng hay điều kiện khác rất khó", ông Thịnh cho biết.

Khó quy trách nhiệm cá nhân

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thông thường, đối với những khoản nợ Nhà nước đứng ra trả cho các DNNN, trước hết hết là do những doanh nghiệp này thuộc lĩnh vực mang tính cốt yếu của nền kinh tế và khi đưa vào đầu tư thì có quyết định của các cấp có thẩm quyền, thậm chí cả cấp cao nhất.

Khi dự án không hiệu quả, Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay hoặc đàm phán thay cho doanh nghiệp bởi đây là các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh hoặc Chính phủ đứng ra vay.

Tuy nhiên, có một thực tế là, việc xử lý trách nhiệm, các vấn đề về tham nhũng liên quan đến vay nợ, trả nợ của các dự án hiện nay gần như tách rời khỏi việc trả nợ hay không trả nợ được của các dự án.

"Ngay như 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương, việc xem xét, quy trách nhiệm cho những người đứng ra đề xuất vay nợ, đầu tư hay xét duyệt đầu tư hoàn toàn tách rời. Một phần do cơ chế tập thể chịu trách nhiệm, phải qua cấp nọ cấp kia, nhiều khâu cuối cùng không đâu vào đâu, khó quy kết trách nhiệm cá nhân cho một người hay tập thể nào đó.

Việc buông lỏng quản lý, buông lỏng trách nhiệm một thời gian dài làm cho đầu tư công và đầu tư bằng nguồn vốn vay nước ngoài trở nên không hiệu quả và gây thất thoát tương đối lớn trong khi không quy được trách nhiệm cho ai.

Bởi vậy, khi Nhà nước đứng ra trả nợ cho DNNN thì phải tính đến việc xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến dự án thua lỗ và phải làm đến nơi đến chốn. Việc giao quyền hạn, chức trách phải đi đôi với nghĩa vụ, không thể giao một đống tiền để rồi ai muốn làm thế nào thì làm, tiêu thế nào thì tiêu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo Thành Luân/Báo Đất Việt

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...