Nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh

Tổng nợ xấu của 10 nhà băng trong quý I đầu năm lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tới 8/10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm.
Nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh

Sau một thời gian khá dài vật lộn với khó khăn, có thể nói quý I/2017 đánh dấu sự trở lại ngoại mục của ngành ngân hàng khi hàng loạt các nhà băng “hân hoan” báo lãi tăng vọt, thậm chí gấp đôi, gấp ba cùng kỳ năm trước như Techcombank hay Eximbank. Một số “ông lớn” khác cũng báo lãi lên tới cả ngàn tỷ đồng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank,....

Tuy nhiên, cùng với việc lợi nhuận tăng mạnh, thì nợ xấu tiếp tục là một vấn đề đối với các ông chủ nhà băng.

Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của 10 ngân hàng lớn Việt Nam bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Sacombank và Eximbank cho thấy, tổng nợ xấu của 10 nhà băng này trong quý I đầu năm lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tới 8/10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với đầu năm, bao gồm Vietinbank, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Eximbank...

Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn cũng tăng nhẹ 2%, lên 29.501 tỷ đồng. 7/10 ngân hàng có nhóm nợ này gia tăng bao gồm Vietcombank, VPBank, Techcombank, Eximbank, MB, SHB...

Với tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,89% tổng dư nợ, Sacombank đang là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm về tỷ lệ nợ xấu, mặc dù con số này đã giảm so với mức 5,35% hồi đầu năm. Về con số tuyệt đối, dù có giảm nhẹ so với đầu năm nhưng Sacombank vẫn là một trong những nhà băng đứng đầu với 10.083 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng ở mức 6.602 tỷ đồng, tương đương 65,5% tổng nợ xấu.

VPBank đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ hai với mức 3,5% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với mức 2,91% hồi đầu năm. Nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vượt mức an toàn chủ yếu đến từ “gà đẻ trứng vàng” FE Credit. Đây là công ty tạo ra nguồn lợi nhuận lớn cho VPBank nhưng cũng chính là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng.

Theo báo cáo riêng của ngân hàng tại ngày 31/3/2017, VPBank đang có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm nhưng vẫn ở trong khoảng “an toàn” là 2,86% tổng dư nợ (so với mức 2,03% đầu năm). Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của ngân hàng đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng.

Đứng thứ ba trong những ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu là Eximbank. Tính đến hết quý I/2017, ngân hàng này đang có hơn 2.589 tỷ đồng nợ xấu, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, do hoạt động tín dụng tăng trưởng âm nên đẩy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng lên mức 3%, so với mức 2,95% hồi cuối năm 2016.

Xét về con số tuyệt đối, thì 9/10 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu tăng, trong đó Sacombank có hơn 10.083 tỷ đồng nợ xấu, còn hai “ông lớn” Vietinbank và Vietcombank có số nợ xấu lần lượt là 7.017 tỷ đồng và 7.376 tỷ đồng, tăng 6,3% và 17,4% so với đầu năm.

Nợ xấu toàn hệ thống có thể cao hơn số báo cáo

Trước đó, trong dự thảo lần 1 liên quan đến Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD cũng như sau khi có VAMC ra đời, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, tính đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, hiệu quả kinh doanh của các TCTD chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nếu tính cả khoản do VAMC quản lý, nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.

NHNN cũng đánh giá việc xử lý nợ xấu đã có kết quả bước đầu khả quan nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. 

Theo Trần Thúy/ Bizlive

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...