Ngày 07/9/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 6785 chính thức chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập ngân hàng TMCP Xăng dầu ( PGBank ) vào ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM ( HDBank ).
Trong thời hạn 60 ngày, HDBank phải gửi Ngân hàng Nhà nước bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập theo quy định. Như vậy, dự kiến đến giữa tháng 11/2018 HDBank phải hoàn tất thủ tục này.
Theo dự kiến, tỷ lệ hoán đổi là 1 cổ phiếu PG Bank đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank. Cổ đông lớn nhất của PGBank hiện là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương 120 triệu cổ phiếu.
Trong một báo cáo hồi đầu tháng 6, Chứng khoán TP HCM (HSC) ước tính với giá cổ phiếu HDB thời điểm hoán đổi là 40.000đ/cp, Petrolimex sẽ có thể thu về khoản lợi nhuận tài chính không thường xuyên 1.327 tỷ đồng.
Sau khoảng thời gian biến động mạnh của thị trường chứng khoán với đà lao dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, các bluechips thì hiện HDB đang giao dịch tại mức giá 33.000 đồng/cp.
Mới đây, PGBank đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2018. Theo đó, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 27.064 tỷ đồng, giảm 7,6% so với đầu năm nay.
Cho vay khách hàng đạt 21.100 tỷ đồng, giảm 1,5% so với đầu năm nay. Tiền gửi khách hàng đạt 21.538 tỷ đồng, giảm 5,8%.
Tính đến 30/9, PGBank đạt 643 tỷ đồng lãi thuần. Lãi từ dịch vụ đạt 22 tỷ đồng, Lãi từ ngoại hối đạt 33 tỷ đồng, lãi từ chứng khoán đầu tư 10 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác 10 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động 394 tỷ đồng. PGBank dành tới 56% lợi nhuận kiếm được cho trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận trước thuế còn 143 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng.
Nợ xấu gia tăng lên mức 4,5%, tương ứng 946 tỷ đồng, tăng so với mức 3,2% cuối năm 2017. Số dư dự phòng tại ngân hàng là 236 tỷ đồng.
PGBank hiện đang nắm giữ 2.354 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 1.714 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc, 69 tỷ đồng trái phiếu do TP.HCM phát hành, 436 tỷ đồng trái phiếu công ty và 133 tỷ đồng giấy tờ có giá do các ngân hàng khác phát hành và đang giữ 2.207 tỷ đồng trái phiếu do VAMC.
Như vậy, với 540 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn cộng với 2.207 tỷ đồng trái phiếu VAMC, nợ xấu của PGBank khá lớn.
Trong khi đó, 9 tháng năm 2018, HDBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 2.884 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2017. Mức lợi nhuận cao giúp ROE của ngân hàng này duy trì trên 20%.
Theo đó tổng thu nhập hoạt động đạt 6.783 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 18,5% lên 5.484 tỷ đồng, và tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập.
Các mảng hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư, kinh doanh chứng khoán tiếp tục mang lại hiệu quả với thu nhập thuần lần lượt đạt 128,8 tỷ đồng và 461,4 tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 340,9 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ 2017.
Về quản lý chi phí, ngân hàng kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động, với hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) hợp nhất giảm về mức 48% so với 52,4% thời điểm cuối quý III/2017. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã giảm mạnh 14,7% so với cùng kỳ do chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng (theo thông tư 02) hợp nhất tại 30/9/2018 của HDBank được kiểm soát ở mức 1,39%, ở mức thấp so với toàn ngành. Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank là 1%, ở mức thấp nhất toàn ngành.
Tính đến 30/9/2018, dư nợ tín dụng của HDBank đạt 125.738 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, trong đó của riêng HDBank đạt 115.665 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2017. Huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 144.716 tỷ đồng tăng 11%. Quy mô tổng tài sản đạt 199.380 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 15.955 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm.
Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 13,6%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.