Cụ thể, trước Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) một tháng, Eximbank đột ngột bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/03/2019 đồng thời thông qua bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế cho ông Quốc. Sau đó, ông Lê Minh Quốc đã có Đơn yêu cầu và được Toà án quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, buộc dừng quyết định bầu bà Tú làm Chủ tịch.
Sau đó, Eximbank có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, khẳng định việc Tòa án nhân dân TP HCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, TAND TPHCM đã có Quyết định không chấp nhận đơn khiếu nại của Eximbank, khẳng định việc áp dụng biện pháp tạm thời là có căn cứ, đúng pháp luật.
Đặc biệt, ngày 5/4 vừa qua, Tổng Giám đốc Lê Văn quyết đã hết hợp đồng lao động từ ngày và hiện nay hoạt động điều hành của Eximbank đang do Phó Tổng Giám đốc thường trực Nguyễn Cảnh Vinh phụ trách. Điều này có nghĩa là ngân hàng đang hoạt động trong trạng thái không có giám đốc.
Trước ngày diễn ra cổ đông 3 ngày, 5 thành viên HĐQT Eximbank bao gồm ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh, ông Yutaka Moriwaki đã yêu cầu HĐQT triệu tập cuộc họp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ Eximbank với các nội dung xem xét nghị quyết 112, bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc, bầu chủ tịch mới, xem xét thông qua các thủ tục gia hạn chức danh Tổng giám đốc…
Mới đây, có thông tin nhóm cổ đông liên quan đến ông chủ tịch Ngân hàng Nam Á thoái vốn khỏi Eximbank và thay vào đó là một nhóm cổ đông mới đến từ Hà Nội, cũng có thông tin nhóm cổ đông liên quan đến ô tô Thành Công của ông Nguyễn Anh Tuấn là một nhân tố mới nữa ở Eximbank.
Cuộc chiến giữa các cổ đông nội bộ của Eximbank đã diễn ra trong thời gian dài tới gần 5 năm qua, khiến cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng này rơi vào trì trệ.
Do đó, thị trường đang chờ đợi sự xuất hiện chính thức của các cổ đông mới này sẽ tạo nên một sự ổn định, hòa hợp giữa các nhóm cổ đông để đưa Eximbank trở lại quỹ đạo phát triển sau một thời gian khá dài "chệch đường ray".
Đáng chú ý, chiều ngày 25/4 (tức trước ĐHĐCĐ 1 ngày), Eximbank đã cập nhật thêm tờ trình về sửa đổi, bổ sung điều lệ ngân hàng cũng như tờ trình về việc chấp thuận đầu tư dự án Trụ sở Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh.
Theo đó, Eximbank đưa ra 4 nội dung sửa đổi, bổ sung gồm Khoản 4 Điều 2, Điều 33, Khoản 6 Điều 35 và các nội dung khác của Điều lệ ngân hàng.
Cụ thể, trình kiến nghị sửa đổi Khoản 4, Điều 2 Điều lệ Eximbank, theo hướng người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết tổng giám đốc mà chưa hoàn tất việc thay thế.
Ngoài ra, sửa đổi Điều 33 theo hướng cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có ít nhất 51% số cổ phần có quyền biểu quyết (quy định cũ là 65%). Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 thì phải có ít nhất 33% số cổ phần có quyền biểu quyết (thay vì 51% như cũ) và được triệu tập trong vòng 30 ngày.
Sửa đổi Khoản 6, Điều 35, ngân hàng đề xuất sửa đổi việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (quy định cũ là 65%) tán thành.
Bên cạnh tờ trình sửa đổi bổ sung Điều lệ, HĐQT EIB cũng trình chấp thuận đầu tư dự án Trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TPHCM theo phương thức Eximbank góp giá trị quyền sử dụng đất, nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng và thực hiện phân chia sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, Eximbank đã có văn bản gửi NHNN xin ý kiến phương thức Eximbank góp giá trị quyền sử dụng đất và phân chia sản phẩm nhưng NHNN chưa có ý kiến. Vì vậy, trong trường hợp NHNN không đồng ý cho Eximbank đầu tư với phương thức trên thì chấp thuận cho đầu tư bằng nguồn vốn của ngân hàng. Phần diện tích không dùng hết sẽ được ngân hàng cho thuê theo quy định của pháp luật.
Giao cho HĐQT được quyết định đầu tư, chủ động triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật, điều lệ ngân hàng.
>> Eximbank mới chỉ thu hồi 20/81 tỷ đồng chi thừa thù lao cho lãnh đạo