Thế chấp tài sản tại hai ngân hàng
Theo cáo trạng, từ 28/12/2012 đến 11/3/2014, do cần tiền để sử dụng (trả nợ cho nhóm Phú Mỹ, nhóm Trần Ngọc Bích, Ngân hàng BIDV và sử dụng cá nhân) nên Phạm Công Danh – chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB đã chỉ đạo, thực hiện nhiều hoạt động rút tiền.
Cụ thể, Danh tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết và Tổ kế toán-tài chính Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Thiên Thanh và 2 pháp nhân thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan-chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật… để vay vốn.
Đặc biệt, Danh còn chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP. Đà Nẵng lên nhiều lần, để đưa vào thế chấp vay VNCB 5.000 tỷ đồng (đã tất toán được 300 tỷ đồng).
Phạm Công Danh đa chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng để làm tài sản thế chấp, rút tiền của VNCB hàng nghìn tỷ đồng
Danh chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh; chi đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền là 4.700 tỷ đồng để trả nợ cho BIDV 2.600 tỷ đồng (thay cho các công ty của Tập đoàn Thiên Thanh vay trong khoản vay 4.700 tỷ đồng của BIDV).
Số tiền 500 tỷ đồng được trả nợ cho nhóm Trần Ngọc Bích (của cá nhân Danh); trả nhóm Phú Mỹ 135 tỷ đồng (cho việc mua cổ phần). Khoảng 1.465 tỷ đồng còn lại, Danh khai chi chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể, gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB. Hành vi của Phạm Công Danh vi phạm quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Theo chỉ đạo của NHNN, VNCB đã thuê CTCP thông tin và thẩm định giá Miền Nam tiến hành thẩm định giá đối với tài sản thế chấp (13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP. Đà Nẵng). Ngày 4/9/2014, CTCP Thông tin và thẩm định giá Miền Nam tiến hành thẩm định và xác định các lô đất thế chấp nêu trên có tổng giá trị là 2.604 tỷ đồng.
Sau khi trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay, VNCB không thu hồi được số tiền gần 2.096 tỷ đồng. Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB tổng số tiền gần 2.096 tỷ đồng. Trong phiên xử ngày 20/7, VKS đã công bố cáo trạng vụ án đã phanh phui hàng loạt "chiêu trò" xoay chuyển dòng tiền, rút tiền ra khỏi ngân hàng,
cụ thể: - Làm giả hồ sơ nâng cấp hệ thống corebanking rút hơn 63 tỷ đồng.- Làm giả hồ sơ thuê mặt bằng hai trụ sở làm thiệt hại 581 tỷ đồng.-Ủy thác trái phiếu làm thiệt hại hơn 900 tỷ đồng.- Cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng để vay, trả, trả vay rồi rút tiền không có chữ ký chủ tài khoản nhóm Trần Ngọc Bích tổng cộng 5.490 tỷ đồng.
Kê biên nhiều tài sản giá trị
Cáo trạng chỉ rõ hành vi của Phạm Công Danh và 35 đồng phạm đã làm thiệt hại cho ngân hàng VNCB hơn 9.100 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền bị rút ruột này đã được Danh dùng để trả nợ việc nhận chuyển nhượng cổ phần VNCB, trả nợ thay cho tập đoàn Thiên Thanh và trả tiền hoa hồng cho những người huy động vốn.
Để đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả, các cơ quan tố tụng đã kê biên nhiều tài sản có giá trị: + kê biên 124 sổ tiết kiệm trị giá 5.881 tỉ đồng của bà Trần Ngọc Bích (người bị Danh chỉ đạo rút 5.490 tỷ đồng) + kiên biên 37 bất động sản của Phạm Công Danh hoặc thuộc sở hữu của các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh đang là tài sản đảm bảo tại một số ngân hàng: Phương Nam; Agribank chi nhánh Tân Phú; Agribank chi nhánh Láng Hạ; VNC và một số tài sản này dùng để góp vốn với công ty cổ phần PVI.
Ngoài ra, xác minh tài khoản của Phạm Công Danh và các công ty của Danh là 3.629 tỉ đồng và số dư còn lại ở VNCB là 1.377 tỉ đồng. Sáng 21/7, VKS đã hoàn tất việc công bố cáo trạng. Chiều cùng ngày, HĐXX sẽ bắt đầu phiên xét hỏi đối với các bị cáo.
Hải Hà (tổng hợp)