Lý giải về quyết định này, ông Phú cho biết, hiện "con thuyền" TP Bank hiện đang cần mình hơn so với "con thuyền" DOJI. Đối với DOJI, dù là người sáng lập và có công lớn đưa tập đoàn này phát triển, gắn bó với tập đoàn này hơn 23 năm nhưng ông Phú cho rằng, hiện DOJI đã có những đội ngũ kế cận đủ để gánh vác và phát triển tập đoàn.
"Tôi đã trao đổi với nhiều anh em, với HĐQT của cả hai tập đoàn DOJI và TP Bank, các cộng sự của mình để lắng nghe các lời khuyên thì hầu hết các bên đều muốn giữ tôi ở lại đơn vị của họ. Tôi đã đồng hành cùng với DOJI từ những ngày đầu tiên. DOJI là thành quả mà tôi đã chắt chiu và gây dựng. Còn với TP Bank, tuy chỉ gắn bó với một thời gian ngắn - 5 năm nhưng đây là lại quãng thời gian mang lại nhiều thách thức, nhiều trải nghiệm cho chính tôi. Tôi đã làm được rất nhiều việc nhưng cũng còn quá nhiều việc để làm. Điều đó được hiểu rằng, mình còn cần phải có trách nhiệm với nó", ông Phú chia sẻ.
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, doanh nhân sẽ không được vừa là chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp vừa là chủ tịch HĐQT của một ngân hàng.
Việc ông Phú thôi chức Chủ tịch DOJI để trở thành Chủ tịch của TPBank sẽ được thực hiện trong thời gian tổ chức đại hội cổ đông vào khoảng tháng 4/2018. Bởi dù luật có hiệu lực từ tháng 1 tới nhưng vẫn cho phép các ông chủ doanh nghiệp được kiêm nghiệm chức năng đến hết nhiệm kỳ khi tổ chức đại hội cổ đông theo quy định.
Tuy nhiên, dù sẽ rời ghế CTHĐQT của DOJI nhưng ông Phú vẫn sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ DOJ trên con đường phát triển bởi theo như ông Phú khẳng định: "Tình yêu của tôi với vàng và với trang sức đá quý vẫn còn nguyên như thời điểm ban đầu. Con người ta có thể thay nhiều bộ trang phục khác nhau nhưng chiếc áo lót thì luôn luôn ở bên họ".