Ông Dương Công Minh: Sacombank về lâu dài còn phải xử lý dứt điểm sở hữu chéo, lãi dự thu

Đây là thông tin ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết trong cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây.
Ông Dương Công Minh: Sacombank về lâu dài còn phải xử lý dứt điểm sở hữu chéo, lãi dự thu

Thị trường gần đây khá hào hứng trước thông tin Sacombank đã xử lý được 19.000 tỷ nợ xấu trong năm 2017, một con số có thể nói là vượt kỳ vọng. Tuy nhiên tổng số tài sản có vấn đề của Sacombank do lịch sử để lại khoảng 86.000 tỷ thì chặng đường xử lý này còn khá dài, và có ý kiến cho rằng càng về sau sẽ càng khó hơn vì cái gì dễ Sacombank sẽ làm trước. Ông nghĩ sao về nhận định này? Ông có thể cho biết rõ hơn về những thách thức nhất mà Sacombank phải xử lý tài sản xấu này là gì?

Ông Dương Công Minh: Con số nợ xấu 19.000 được xử lý trong năm 2017 là nỗ lực của cả tập thể và hỗ trợ của các cơ quan ban ngành. Đúng là chúng tôi đã tập trung giải quyết những tài sản xử lý nợ dễ khoanh vùng, tính thanh khoản cao và có thể xử lý ngay để có được con số này. Việc xử lý những tài sản tồn đọng giai đoạn tiếp theo sẽ thách thức hơn. Nhưng khi đã gỡ được những khó khăn bước đầu và hi vọng với sự thuận lợi của thị trường, chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục xử lý theo lộ trình tái cấu trúc đã được phê duyệt.

Thách thức nhất mà Sacombank phải xử lý là hoàn thành thủ tục pháp lý cho các tài sản này, tiếp đó kiếm được người mua phù hợp và chúng tôi cũng cần chạy đua với thời gian, xử lý được nhanh, đồng vốn sẽ sớm được đưa vào kinh doanh để sinh lời.

Là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đang có quy mô tài sản lớn nhất, ông có thể tiết lộ kết quả kinh doanh của Sacombank năm 2017? So với quy mô tổng tài sản như thế thì kết quả này đã tương xứng chưa, thưa ông?

Kết thúc năm 2017 – năm đầu tiên hoạt động theo Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt – Sacombank đã đạt được những kết quả khả quan dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Xét theo kết quả hợp nhất, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 368.600 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 325.200 tỷ đồng, tăng 11,5%; dư nợ tín dụng gần 225.600 tỷ đồng, tăng 12,5%. Tỷ suất sinh lời của Ngân hàng dần được cải thiện với tổng thu nhập đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng. Thu dịch vụ năm 2017 của Sacombank tăng trưởng rất tốt, đạt 2.624 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 27,5% so với năm trước. Đặc biệt, chúng tôi đã dồn sức để xử lý nợ xấu, kết quả chúng tôi đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng.

Kết quả chúng tôi nỗ lực đạt được so với quy mô tổng tài sản như vậy theo tôi là chưa tương xứng, do Sacombank cũng còn nhiều khó khăn trong quá trình tái cấu trúc. Nhưng khi quyết định đầu tư vào Sacombank, chúng tôi đã xác định là đi đường dài và chưa đặt nặng mục tiêu lợi nhuận thu về trong ngắn hạn. Những người chọn chốt lời trong ngắn hạn chắc chắn không phù hợp với Sacombank trong giai đoạn 3-5 năm tới.

Được biết ông đang tái cấu trúc lại Sacombank một cách quyết liệt, ông có thể cho biết những tồn tại nào trong hệ thống, tổ chức của ngân hàng đã giải quyết nhanh chóng, dứt điểm?

Những vấn đề chúng tôi đã xử lý nhanh và hiệu quả gồm: Xây dựng cơ cấu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban Điều hành có nhiệt huyết, năng lực và kinh nghiệm; Bảo đảm hoạt động ngân hàng ổn định và an toàn trong bối cảnh có nhiều thông tin tiêu cực; Tái cấu trúc đồng bộ tổ chức bộ máy, qui chế- qui trình, nhân sự và mạng lưới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tập trung tái cơ cấu và lành mạnh hóa tình hình tài chính: việc phân loại nợ, hạch toán và trích lập dự phòng theo đúng Đề án và qui định của pháp luật; Quyết liệt đẩy mạnh kinh doanh, các chỉ tiêu trọng yếu đều tăng trưởng vượt bật so với thị trường; Đẩy mạnh xử lý nợ và tài sản tồn đọng, trong năm đã xử lý hơn 19.000 tỷ đồng là một nỗ lực rất lớn.

Vậy còn vấn đề nào vẫn tồn tại phải giải quyết một cách căn cơ, lâu dài?

Những vấn đề tồn tại cần giải quyết căn cơ, lâu dài như là: Tiếp tục giải quyết dứt điểm về sở hữu chéo và đa dạng hóa cơ cấu cổ đông; Do thời gian phê duyệt đề án kéo dài nên kết quả xử lý nợ chưa đạt như kỳ vọng, lãi dự thu chưa xử lý được đáng kể; Các chỉ số an toàn hoạt động chỉ mới cải thiện được bước đầu; Do xếp hạng tín nhiệm quốc tế bị đánh giá tiêu cực nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thanh toán quốc tế, cũng như quan hệ với các định chế tài chính; Công tác tái bố trí mạng lưới còn nhiều vướng mắc về thủ tục nên chưa giúp ngân hàng sớm phát huy hiệu quả hoạt động.

Những ngày vừa qua, cổ phiếu Sacombank tăng giá liên tục, khối lượng giao dịch hàng ngày tăng đột biến. Là chủ tịch của ngân hàng, ông có nhận định gì về tình hình này?

Tôi rất vui mừng vì cổ phiếu Sacombank được đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm đang tái cấu trúc với nhiều thách thức và đang có một số thông tin bất lợi hiện nay. Tôi cho rằng, ngoài đà tăng chung của thị trường thì việc tăng giá của cổ phiếu Sacombank thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với hoạt động và tiềm năng tăng trưởng tích cực của Sacombank, đối với Đề án tái cơ cấu mà chúng tôi đang nỗ lực thực hiện.

Giá của cổ phiếu là do thị trường quyết định chứ không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân nào. Chúng tôi chỉ tập trung quản trị - điều hành Sacombank sao cho đạt hiệu quả và minh bạch. Dưới góc độ thận trọng thì cá nhân tôi cho rằng mức tăng hiện nay của cổ phiếu Sacombank là tương đối mạnh và hơi nhanh. Tuy nhiên nhìn vào cả thị trường thì đây đang là hướng chung và thông thường sau đợt tăng thị trường thường sẽ có những điều chỉnh. Đó cũng là quy luật chung của thị trường chứng khoán.

Khi giá cổ phiếu của 1 doanh nghiệp tăng quá nhanh, có ý kiến cho rằng sẽ gây sức ép cho doanh nghiệp trong điều hành kế hoạch, ông có đồng tình không?

Bên cạnh nhà đầu tư chiến lược và lâu dài, cũng có những nhà đầu tư khi mua cổ phiếu sẽ kỳ vọng doanh nghiệp đó tăng trưởng tốt để chốt lời, ở đây được hiểu là kì vọng ở giá cổ phiếu thì sẽ tăng và cổ tức thì cao, ít nhất là cao hơn lãi suất mà họ thu được so với đem tiền gởi tiết kiệm ở ngân hàng. Khi nhà đầu tư chấp nhận trả giá cao cho một cổ phiếu, không có nghĩa là hiện tại doanh nghiệp ăn nên làm ra nhưng có thể là do triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Chính điều đó cũng có thể tạo nên áp lực với doanh nghiệp trong việc đảm bảo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng sao cho phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư. Vì nếu anh không đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, họ sẽ rời bỏ anh và cổ phiếu sẽ giảm mất sức hấp dẫn trên thị trường. Sau này việc phát hành tăng vốn sẽ khó khăn và rõ ràng hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

Ông có thể cho biết định hướng hoạt động của Sacombank trong năm 2018 là gì?

Quan trọng nhất là chúng tôi phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo Đề án, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản. Mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, tăng doanh thu từ mảng dịch vụ để đóng góp tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường sức cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt hóa, kết hợp với chiến lược tối ưu hóa chi phí và mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết, kể cả hợp tác, liên kết với các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác trong và ngoài nước. Quan điểm quản trị ngân hàng của tôi là phải minh bạch, từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel II; giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hoá cơ cấu cổ đông; tiết giảm chi phí hợp lý, gia tăng lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Lan Chi/Trí thức trẻ 

>> Sacombank lộ tham vọng bành trướng hệ thống giao dịch

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...