Một nguồn tin của chúng tôi cho biết ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cấp cao của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức rút khỏi danh sách ứng cử vào Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB).
Trước đó, hồi cuối tháng 5, Sacombank công bố danh sách các ứng cử viên mà ngân hàng này đề xuất vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017- 2021 trong đó có nhiều cái tên mới đến từ Vietcombank, có cả người đến từ Tập đoàn Him Lam và cá nhân ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên là phó chủ tịch thường trực HĐQT của LienVietPostBank.
Ông Hưởng được cho là một nhân tố quan trọng trong cơ cấu HĐQT mới của ngân hàng Sacombank và được kỳ vọng khá nhiều trong công cuộc tái cơ cấu Sacombank thời kỳ hậu sáp nhập Phương Nam.
Song đến cuối tháng 5, Sacombank vẫn chưa thể tổ chức ĐHCĐ như dự kiến do khâu chuẩn bị nhân sự chưa hoàn tất, và đến tận 22/5 Ngân hàng Nhà nước mới phê duyệt Đề án tái cơ cấu hậu sáp nhập.
Theo công bố mới nhất, ngân hàng có mạng lưới rộng nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sẽ tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 30/6. Sự rút lui của ông Nguyễn Đức Hưởng ở thời điểm này chắc chắn gây bất ngờ cho không ít người. Và một lần nữa, những thông tin về nhân sự Sacombank lại là dấu hỏi lớn khiến cả thị trường trông đợi.
Trong đề án tái cơ cấu vừa được NHNN phê duyệt, Sacombank đưa ra thời gian để thực hiện thành công tái cơ cấu là 10 năm (2015-2025) trên cơ sở thận trọng, nhưng Sacombank mong muốn có thể đẩy nhanh tiến độ hơn, trong 3 năm xử lý được 70% nợ xấu và nếu cơ chế vĩ mô cùng hoạt động ngành ổn định, thuận lợi thì trong vòng 5 năm sẽ cơ bản xử lý dứt điểm, đưa Sacombank trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây, giảm nợ xấu xuống dưới 3%.
Liên quan đến vấn đề nhân sự tham gia tái cơ cấu hiện nay ra sao, trả lời câu hỏi của chúng tôi, đại diện Sacombank cho biết, thời gian vừa qua có khá nhiều thông tin về các nhà đầu tư có ý định tham gia tái cơ cấu Sacombank, điều đó chứng tỏ Sacombank vẫn có sức hấp dẫn. Còn để quá trình tái cơ cấu thành công thì yếu tố quan trọng nhất đối với Sacombank là cơ chế, tất nhiên là nếu có nhà đầu tư có năng lực tài chính thì thời gian sẽ được đẩy nhanh hơn.
Vị đại diện cho biết thêm, quan điểm của NHNN về nhân sự tham gia HĐQT, BKS Sacombank là ưu tiên sử dụng nhân sự tại chỗ, am hiểu và đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu, đồng thời bổ sung 1 số nhân sự có năng lực bên ngoài. Tuy nhiên, đến nay, chưa có 1 nhà đầu tư nào chính thức đặt vấn đề với Sacombank.
Theo Trí thức trẻ
>> Sacombank cần 3-5 năm để tái cơ cấu