Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã: BID) vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ là ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc.
Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn và diễn ra từ ngày 7/3 đến 7/4. Trong giai đoạn này, thị giá cổ phiếu BID dao động quanh ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền vị lãnh đạo này thu về vào khoảng 10 tỷ đồng.
Giống như các lãnh đạo khác của BIDV, số lượng cổ phần BID của ông Sáng sở hữu là khá ít.
"BID là một trong những cổ phiếu ngân hàng có đà tăng trưởng mạnh nhất từ cuối năm 2017 đến nay. Nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, BID đã tăng hơn 48% thị giá từ mức 27.000 đồng/cổ phiếu lên 40.000 đồng hiện nay (16/4).
Mới đây, BIDV cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2017 và ghi nhận giảm 135 tỷ đồng lợi nhuận, xuống còn 8.665 tỷ so với báo cáo tự lập trước đó.
Nguyên nhân kéo lợi nhuận ngân hàng giảm là các khoản mục thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh sau kiểm toán bị điều chỉnh giảm từ 8 đến 66 tỷ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động lại bị điều chỉnh tăng thêm 136 tỷ đồng (tương đương tăng 0,88%), lên 15.504 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV giảm 203 tỷ đồng (tương đương giảm 0,86%), xuống còn 23.512 tỷ đồng.
Được biết,ông Sáng là một trong 2 Phó Tổng Giám đốc BIDV liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và Trầm Bê, người còn lại là ông Trần Lục Lang.
Trong vụ án này, cấp dưới của ông Sáng là ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo đã bị truy tố là đồng phạm với ông Phạm Công Danh về tội cố ý làm trái. Cáo trạng vụ án cho biết, một số cá nhân của BIDV có sai phạm nhưng giám định của NHNN cho thấy thiệt hại không xảy ra tại BIDV nên các cá nhân liên quan không phạm tội vi phạm quy định về cho vay.
Ông Sáng là người đã ký 2 HĐ tín dụng cho các công ty của ông Danh vay 1.700 tỷ đồng. Khi được VKS thẩm vấn trước tòa, ông Sáng xác nhận với HĐXX các khoản vay trên đã được tất toán.
Tuy nhiên, VKS cho rằng nguồn tiền dùng để tất toán các khoản vay của công ty sân sau do ông Danh dựng lên là nguồn tiền do phạm tội mà có. Ông Danh đã chuyển tiền từ VNCB sang gửi tại Sacombank và thế chấp số tiền gửi này để bảo lãnh cho 6 công ty vay 1.800 tỷ đồng để trả cho BIDV. Số tiền này nằm ngoài sổ sách của VNCB.
Khi được hỏi về nguồn tiền tất toán các khoản vay tại BIDV, ông Sáng trả lời không biết được nguồn tiền từ đâu mà có, tiền về TK DN do BIDV quản lý nên NH đã trích để thu nợ.
Theo đại diện VKS, các cá nhân liên quan đến BIDV, trong đó có ông Sáng được triệu tập tới Tòa để hỗ trợ xác minh làm rõ vụ việc, HĐXX đã truy ra đường đi của nguồn tiền trả nợ BIDV nên việc xử lý thế nào các cơ quan tố tụng sẽ xem xét trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, đến ngày 7/2/2018, vụ án đã được trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
>> BIDV chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện tại Myanmar