Phó Thủ tướng: Bán vốn nhà nước nhanh hơn, giá trị cao hơn

“Không cần cổ phần hóa thật nhiều nhưng phải bảo đảm vốn nhà nước, hiện vẫn còn rất lớn trong doanh nghiệp (DN), phải được bán nhanh hơn, giá trị cao hơn và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp
Phó Thủ tướng: Bán vốn nhà nước nhanh hơn, giá trị cao hơn
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đối với công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Lê Mạnh Hà cho biết, theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 137 DNNN, tập trung ở 4 bộ, ngành, 32 địa phương và 4 tập đoàn kinh tế.

"Tính tới quý I/2017 cả nước đã cổ phần hóa 8 DNNN và 1 đơn vị sự nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 DN và đang tiến hành xác định giá trị của 108 DN, giải thể được 1 DN thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam và phê duyệt giá trị cho 1 DN để cổ phần hóa.

Về thoái vốn nhà nước, đến hết ngày 25/3, cả nước đã bán phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 71,8 tỷ đồng tại 10 DN không cần nắm giữ và thu về 72,8 tỷ đồng, trong đó có 6 DN phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng tính tới nay đã có 96,5% số lượng DNNN cổ phần hóa nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%. Như vậy còn tới 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần hóa, đồng nghĩa với việc chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Cổ phần hóa chậm do chờ đợi hoàn thiện pháp lý?

Các thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong quý I năm 2017 chững lại vì phải thực hiện đối với các DNNN có quy mô vốn lớn lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng (Tổng công ty Cà phê, VNPT, PVN, các Tổng công ty phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Cao su, Vinafood 1 và 2…). Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương có tâm lý chờ Chính phủ sửa đổi xong Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về chuyển DNNN thành công ty cổ phần (liên quan tới việc xử lý vấn đề sở hữu đất đai của DN cổ phần hóa) và trông chờ việc các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

“Vinafood 1 và Tổng công ty Cà phê thì trong quý III, IV năm 2017 sẽ xác định giá trị DN nhưng đúng là đang có tâm lý chờ sửa Nghị định số 59 về chủ trương xác định giá đất”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa mà không cần phải chờ sửa đổi Nghị định số 59. “Nếu vướng mắc trong xử lý vấn đề sở hữu đất đai sau cổ phần hóa thì chỉ cần các bộ, tập đoàn, tổng công ty ngồi lại với Bộ Tài chính thảo luận thì sẽ xử lý được hết trên cơ sở thực hiện theo Quyết định số 58 của Thủ tướng”, ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Đồng tình với quan điểm không chờ sửa Nghị định, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết năm 2016, địa phương này đã cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro - có vốn nhà nước 2.125 tỷ đồng) mà vướng mắc lớn nhất là việc xử lý đất đai của DN này. Trong khi Chính phủ chưa sửa được Nghị định 59 thì Hà Nội đã chỉ đạo lập và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, phương án sắp xếp đất đai của Hapro theo hướng rà soát chức năng của Hapro sau cổ phần để xác định chính xác hơn giá trị DN.

Đánh giá về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, nhất là cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đồng tình với ý kiến các bộ, địa phương và các DNNN rằng công việc này còn chậm, có dấu hiệu chững lại trong quý I/2017 về xây dựng khung khổ thể chế, sửa đổi, ban hành các nghị định liên quan của Chính phủ và cả về thủ tục hành chính.

“Ví dụ kế hoạch tái cơ cấu DNNN trình lên thì các bộ, ban, ngành và địa phương phải khẩn trương tiếp nhận và xử lý. Chậm một ngày thì lỡ tiến độ thực hiện tới hằng tháng, cả một quý, thậm chí cả một năm của doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn thiếu quyết liệt, có tâm lý chờ đợi các quy định của Nhà nước”, Trưởng Ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ đánh giá.

Không để tiêu cực khi thoái vốn, cổ phần hóa DNNN

Phó Thủ tướng: Bán vốn nhà nước nhanh hơn, giá trị cao hơn ảnh 2

Trong giai đoạn tới, cả nước tập trung cổ phần hóa các DNNN rất lớn (số lượng DN ít nhưng tỉ trọng vốn rất nhiều) như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thực hiện các thủ tục cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện, hay năm nay cổ phần hóa Tập đoàn như Cao su, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). “Đây là những DN lớn mà Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán lại kết quả định giá để tránh thất thoát vốn, tài sản”, Phó Thủ tướng nói.

Ngay trong năm 2017 và cho tới năm 2020, Phó Thủ tướng cho rằng mục tiêu sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN là tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất hơn, trong đó cổ phần hóa chỉ là 1 giải pháp mà cuối cùng là thu hẹp phạm vi hoạt động DNNN ở các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, các lĩnh vực tư nhân không muốn đầu tư và không có khả năng đầu tư. Thêm vào đó, Phó Thủ tướng nêu rõ những DN mà Nhà nước giữ lại thì phải đổi mới quản trị, sao cho hoạt động “ra tấm ra món”.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN soạn thảo văn bản của lãnh đạo Chính phủ đôn đốc các bộ, địa phương, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc tập đoàn, tổng công ty tiếp tục quán triệt Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội với lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, trọng tâm là quản trị DN.

Các bộ, ngành hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường thanh tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn nhà nước, nhất là không có tiêu cực trong thoái vốn, cổ phần hóa. Khắc phục các bất cập về pháp lý của cổ phần hóa để bảo đảm quá trình này diễn ra nhanh, khẩn trương, đúng quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý DN yếu kém theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TW là Nhà nước không bỏ thêm tiền để tái cơ cấu DN. Các địa phương, bộ, ngành cần chủ động xử lý các doanh nghiệp yếu kém, không dồn việc lên Chính phủ.

Đồng thời lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh: “Xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa DNNN, xử lý nghiêm người đứng đầu DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN cố tình sai phạm, thực hiện kém, không hiệu quả công tác này, kể cả hoạt động điều hành, quản trị DN hiện nay”.

Đối với các DNNN cần sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn hiện nay có giá trị thị trường rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng: “Không cần cổ phần hóa thật nhiều nhưng phải bảo đảm vốn nhà nước phải được bán, thoái tốt hơn và nâng cao năng lực quản trị của DN. Hằng tháng Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ nghe báo cáo của các bộ, địa phương và tập đoàn, tổng công ty. Hằng quý, Ban Chỉ đạo sẽ họp giao ban để đẩy nhanh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN”.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...