Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư mở rộng Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM.
Theo đó, cần ưu tiên phương án huy động vốn nguồn vốn xã hội cho đầu tư và làm rõ thuận lợi, khó khăn của từng phương án; đề xuất lựa chọn phương án tối ưu và hiệu quả nhất để có thể đưa các hạng mục đường Cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga hành khách T3 vào khai thác vào năm 2020.
Sân bay Tân Sơn Nhất có tổng công suất thiết kế của hệ thống nhà ga là 28 triệu khách/năm, năm 2016 Tân Sơn Nhất đã khai thác tới 32,5 triệu lượt khách, năm 2017 Tân Sơn Nhất đón 37 triệu hành khách, dự báo năm 2018 số lượng khách qua cảng hàng không này là gần 41 triệu, hiện Tân Sơn Nhất đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.
Theo quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 vừa được phê duyệt tháng 9-2018, sân bay Tân Sơn Nhất có tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791 ha (chưa bao gồm diện tích đất quốc phòng), được quy hoạch sử dụng chung dân dụng và quân sự với 160 vị trí đỗ.
Sản lượng vận chuyển đạt 50 triệu khách/năm (từ 20 triệu khách/năm hiện nay). Sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía Tây Nam được bổ sung, đáp ứng 56 vị trí, nâng tổng số vị trí đỗ lên 106. Tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Tư vấn và Thiết kế công trình hàng không (ADCC) tính toán, dự kiến chi phí triển khai quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó xây dựng nhà ga T3 hơn 7.600 tỷ, sân đường máy bay hơn 5.200 tỷ, nhà ga hàng hóa hơn 3.000 tỷ, còn lại là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Trong khi đó, tư vấn ADPi (Pháp) tính toán các công trình trên cần vốn đầu tư hơn 35.700 tỷ đồng.
>>Đã có quy hoạch chi tiết mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất