PVN từng có cơ hội thoát khoản lỗ 800 tỷ đồng?

Tập đoàn Dầu khí từng có cơ hội thoái vốn khỏi OceanBank khi Văn phòng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá hoặc bán cổ phần. Hà Văn Thắm cũng khai nhận, có đối tác muốn mua lại vốn góp vào OceanBank của
PVN từng có cơ hội thoát khoản lỗ 800 tỷ đồng?

Không ảnh hưởng kinh doanh

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố 5 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 800 tỷ đồng. Đây là một phần trong giai đoạn II đại án tham nhũng - kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Có 5 người bị khởi tố gồm Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh - Phó TGĐ PVN; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Thành viên HĐTV PVN; Vũ Khánh Trường - nguyên Ủy viên HĐQT PVN.

Theo lãnh đạo PVN, việc khởi tố này để phục vụ hoạt động điều tra đối với vụ việc góp vốn của tập đoàn vào Ocean Bank trong giai đoạn trước đây. Cho tới nay, PVN đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình làm rõ vụ việc.

“Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tố tụng đối với cá nhân nêu trên không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của PVN. Ngay khi nhận được thông báo từ cơ quan CSĐT Bộ Công an, PVN đã triển khai thủ tục đình chỉ công tác đối với ông Ninh Văn Quỳnh” - lãnh đạo PVN cho biết.

Liên quan vụ việc, tại phiên tòa xét xử vụ OceanBank, TAND TP Hà Nội xét hỏi về khoản vốn góp 800 tỷ đồng bị thất thoát nói trên. Đại diện của PVN cho hay, trước khi đầu tư vào OceanBank, PVN được Thủ tướng cho phép thành lập ngân hàng mới với vốn góp không quá 50%. Khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra, Thủ tướng bác bỏ việc này nhưng đồng ý cho PVN góp vốn vào một ngân hàng TMCP khác với tỷ lệ vốn góp không quá 20%.

Vì vậy, PVN sau đó góp vốn vào OceanBank 3 lần với tổng tiền 800 tỷ đồng nhằm luôn giữ mức 20% vốn điều lệ và cử người sang làm người đại diện phần vốn của mình. Trong đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện trong năm 2010 - 2011. PVN cũng cử ông Sơn sang OceanBank giữ chức TGĐ của ngân hàng.

Về hiệu quả của khoản đầu tư trên, phía PVN cho biết, từ 2009 tới 2013, theo báo cáo tài chính thì OceanBank hoạt động có hiệu quả, năm nào PVN cũng được chia cổ tức với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng. “Điều đó cho thấy đứng về mặt kinh tế và đầu tư tài chính là hiệu quả… còn thật sự hiệu quả hay không chúng tôi đang chờ phán quyết của tòa” - vị này trình bày.

Từng có cơ hội thoát lỗ?

Tiếp đó, HĐXX hỏi việc góp vốn của PVN có đúng luật không? Đại diện PVN trả lời 2 lần góp vốn đầu tuân theo Luật tổ chức tín dụng 2007, cụ thể 1 tổ chức được mua tối đa 20% cổ phần ở 1 tổ chức tín dụng.

Vì thế, khi PVN đề nghị góp vốn, Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ Tài chính thẩm định trước khi thực hiện. Chỉ có lần sau cùng, PVN góp thêm 100 tỷ đồng để đạt tỷ lệ 20% vốn thì sai so với Luật tổ chức tín dụng 2010 (được mua tối đa 15% - PV). Tuy vậy, đại diện PVN cho rằng lần góp vốn thứ 3 chỉ là triển khai hệ quả của việc góp lần 2 đã được Thủ tướng đồng ý và do PVN không cập nhật kịp nên vẫn làm. Tập đoàn cũng luôn xin ý kiến của trên khi thực hiện nhưng đang xử lý vốn ở OceanBank thì ngân hàng này bị mua 0 đồng.

“Việc góp vốn lần 3 số tiền 100 tỷ đồng được Thủ tướng đồng ý từ năm 2010. Lúc đó Luật Tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực… Chúng tôi hỏi Văn phòng Chính phủ (VPCP) thì được trả lời đến 2015, PVN phải thoái hết vốn tại các ngân hàng. Năm 2014, PVN báo cáo Thủ tướng, đề nghị chuyển nhượng vốn ở OceanBank nếu đạt được thỏa thuận với các đối tác tiềm năng. Thủ tướng đồng ý bằng công văn sau đó vài ngày. Cụ thể, 12/6/2014, VPCP có công văn gửi PVN, nội dung Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý PVN chuyển nhượng cổ phần bằng đấu giá công khai hoặc bán thỏa thuận theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”- đại diện PVN trả lời HĐXX.

Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank khai: “Luật quy định các tổ chức chỉ nắm 15% (vốn tại ngân hàng - PV) lúc đó chưa thực hiện được vì PVN có đại diện ở OceanBank và theo Luật Chứng khoán thì không được bán… Bị cáo trao đổi với PVN rằng không bán được thì nâng vốn điều lệ lên 5.300 tỷ đồng, như vậy 800 tỷ đồng vốn của PVN từ 20% xuống 15% nhưng sau chào bán không thành công”.

Đặc biệt, ông Thắm cho rằng khoản đầu tư của PVN đã từng có đơn vị khác muốn mua lại: “Bị cáo làm việc với 1 đối tác Singapore, 1 đối tác Việt Nam thì họ đồng ý mua lại cổ phần của PVN với giá 800 tỷ đồng, tức là PVN không bị lỗ”.

Theo Xuân Ân - Quỳnh Nga/ Tiền Phong

>> Cựu Chủ tịch PVN bất ngờ thừa nhận đã nhận tiền để "chi ngoài"

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...