Tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - phiên họp đầu tiên của Thường vụ Quốc hội trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thông tin một số nội dung phiên họp đã làm việc. Trong đó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh những nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 2/2025.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ thời điểm này đến khi diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 9 chỉ còn khoảng 1,5 tháng (trong đó có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày), tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18... Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức phải thực hiện khẩn trương, chuẩn bị các điều kiện cho kỳ họp; làm việc ngày đêm, kể cả thứ bảy, chủ nhật để cụ thể các nội dung của Kỳ họp.
“Khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết thì Quốc hội phải thể chế hóa các Nghị quyết đó để triển khai trong việc sắp xếp bộ máy”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung kỳ họp bất thường lần thứ 9 tập trung vào sửa đổi các luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy như Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Toàn bộ các nội dung dự kiến trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tài liệu; đối với một số nội dung bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 cần chuẩn bị sớm, đầy đủ, đảm bảo chất lượng.
Về thời gian Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra trong 4,5 ngày nhưng có thể thay đổi linh hoạt để giải quyết hết những nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các dự án luật trình tại Kỳ họp; các cơ quan của Quốc hội phối hợp bám sát để theo dõi tiến độ thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết ngay sau khi có Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cần tập trung cao độ để triển khai tổng kết Nghị quyết 18, hoàn thành các đề án quy định, văn bản đảm bảo tiến độ trình Hội nghị Trung ương giữa tháng 2/2025, nhất là các nhiệm vụ cần hoàn thành trước ngày 15/1 theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương
Ngoài việc xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến sắp xếp bộ máy, tại kỳ họp, Quốc hội cũng xem xét tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Sau Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội giao Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng xây dựng báo cáo để báo cáo Bộ Chính trị về những nội dung trình tại Kỳ họp bất thường trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Quốc hội đòi hỏi phải sửa đổi nghị quyết điều chỉnh về cơ cấu, số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết thành lập Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mới của Quốc hội sau sắp xếp.
Sắp xếp các bộ ngành cần sửa Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Quốc hội cũng xem xét, thông qua nghị quyết điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chính phủ, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, điều chuyển, sáp nhập các bộ.
Cùng với đó, các cơ quan của Chính phủ cũng đang thảo luận về một số luật khác cần phải sửa khi các cơ quan sau sắp xếp đi vào hoạt động như Luật Thanh tra, các luật về thuế, ngân hàng. "Các bộ đang thảo luận và chưa có ý kiến thống nhất. Có ý kiến cho rằng có thể sửa ngay bằng nghị quyết của Quốc hội để đưa ra nguyên tắc xử lý", ông Tùng gợi ý.