Quý 1/2021, Vietcombank đạt lợi nhuận 7.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm

“Trong quý 1, Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng khoảng 3,7%, là mức cao nhất trong cùng kỳ của nhiều năm, với đà này nếu được giao 14% cả năm cũng hoàn toàn thực hiện được”.

Mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, trong quý 1 năm nay ngân hàng đạt lợi nhuận khoảng 7.000 tỷ đồng, bằng 28% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (25.200 tỷ). Như vậy so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận quý 1 năm nay của Vietcombank cao hơn khoảng 34%.

Tín dụng của Vietcombank tính đến hết 3 tháng đã đạt tăng trưởng 3,7%, cao hơn nhiều so với mức hơn 2% của toàn ngành và cũng cao hơn mức tăng trưởng của 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại (Agribank, BIDV, VietinBank). Đây còn là mức tăng trưởng tín dụng trong quý 1 cao nhất nhiều năm ở Vietcombank.

Cả năm 2021, ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5%, cao nhất trong khối ngân hàng có vốn nhà nước (chỉ khoảng 6 - 7,5%).

Theo chủ tịch HĐQT Vietcombank, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cao cho Vietcombank dựa trên nhiều yếu tố: khả năng tăng tín dụng; nguồn vốn chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên; nợ xấu thấp; tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của ngân hàng cũng chỉ ở mức 71% trong khi đa số các ngân hàng khác đều trên 90%. Với kết quả tăng tín dụng 3 tháng đầu năm, ông Thành tự tin cho rằng, nếu năm nay được bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới 14% thì ngân hàng cũng hoàn toàn đáp ứng được.

Tại thời điểm cuối quý 1, Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu 0,7%, vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, ngân hàng đồng thời trích lập được thêm 2.000 tỷ đồng dự phòng, duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức cao nhất trong ngành là 380%. 

Tới đây, ngày 23/4/2021 Vietcombank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2021 (ĐHĐCĐ). Theo thông báo, ĐHĐCĐ Vietcombank năm nay ngoài thực hiện các nội dung thường niên như: cho ý kiến về báo cáo của HĐQT, Ban Điều hành và Ban kiểm soát về hoạt động năm 2020 và định hướng năm 2021; quyết định mức thu lao cho các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) năm 2021, thông qua phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ năm 2020… thì sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021 - 2022.

Nội dung phương án tăng vốn chưa được ngân hàng thông báo. Tuy nhiên, nhiều khả năng, ngân hàng sẽ trình cổ đông tăng vốn bằng chia cổ tức (bằng tiền mặt, cổ phiếu thưởng) và tiếp tục đề ra phương án phát hành riêng lẻ.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2020, cổ đông Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn giai đoạn 2020 - 2021. Theo đó, ngoài tăng vốn bằng chia cổ tức, ngân hàng cũng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán ( khối lượng phát hành tối đa là 241.077.034 cổ phiếu).

Mục tiêu chào bán riêng lẻ 6,5% vốn được Vietcombank đưa ra từ năm 20219, song đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Có thể bạn quan tâm