Quy định phòng cháy chữa cháy: Nhiều bức xúc từ doanh nghiệp

Cán bộ PCCC cần phát huy vai trò hỗ trợ giúp doanh nghiệp phòng cháy hơn là kiểm tra giám sát để xử lý vi phạm...

Các quy định về thẩm quyền duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, kiểm định phương tiện cũng như nguyên tắc không hồi tố đang là các nội dung doanh nghiệp muốn Bộ Công an cân nhắc.

"Dùng quy định mới áp vào công trình cũ" - nỗi khổ của doanh nghiệp

Theo Công ty cổ phần Vinafco, trong 3 năm liên tục, Bộ Xây dựng đã ban hành 3 thống tư tương ứng 3 Quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, gồm Thông tư số 01/2020/TT-BXD ngày 06/4/2020 ban hành kèm QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình; Thông tư 02/2021/TT-BXD ban hành kèm QCVN 06:2021/BXD và Thông tư 06/2022/TT-BXD ngày 30/11/2022 ban hành kèm QCVN 06:2022/BXD.

Việc ban hành thông tư liên tục khiến cho doanh nghiệp rất khó khăn trong nắm bắt và đặc biệt khó khăn để đáp ứng các yêu cầu, vì 1 công trình xây dựng thường mang tính dài hạn với các kết cấu bền vững được tính toán từ đầu, việc thay đổi thiết kế của công trình theo các yêu cầu của quy chuẩn phòng cháy chữa cháy nhiều khi là bất khả thi về mặt thực tế thi công, nhu cầu sử dụng và cả suất đầu tư (tài chính) của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, các công trình đang sử dụng bình thường theo các quy chuẩn ban hành trước, đến khi có quy chuẩn mới thì phòng cháy chữa cháy yêu cầu cập nhật theo quy chuẩn mới, khiến doanh nghiệp không thể chủ động nguồn lực đáp ứng.

phòng cháy chữa cháy
đội thi phòng cháy chữa cháy Công ty Cáp điện Thượng đình

Cũng gặp tình trạng “dùng quy định mới áp vào công trình cũ”, đại diện Công Ty Cổ Phần Dây và Cáp Điện Thượng Đình (Cadisun) cho biết, nhà máy của công ty đã xây từ lâu. Thời điểm xây dựng, nhà máy vẫn đảm bảo được khoảng cách phòng cháy chữa cháy giữa các nhà và công trình. Tuy nhiên, theo sự vận động phát triển của kinh tế xã hội, hiện nay các nhà xưởng và tòa nhà của công ty nằm trong địa bàn khu dân cư sinh sống. Việc đảm bảo khoảng giữa các nhà và công trình, ranh giới khu đất theo quy định pháp luật là rất khó thực hiện.

“Trên thực tế, nếu công ty có xây lùi lại cho đảm bảo khoảng cách theo quy định, thì các hộ dân sinh sống gần công ty sẽ cơi nới lấn chiếm vào chỗ công ty vừa lùi lại”, đại diện Cadisun cho biết.

Do đó, Cadisun đề nghị xem xét chỉnh sửa quy định phù hợp với việc doanh nghiệp được đặt trong khu vực dân cư đông đúc.

Một công ty khác cũng có ý kiến về áp dụng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy là Công ty Cổ phần phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP). Hiện nay, APP đang sản xuất các loại dầu nhờn, dầu bôi trơn… là các sản phẩm có xuất xứ từ dầu mỏ nhưng lại là chất khó cháy. Tuy nhiên, hiện các cơ quan chức năng đang phân loại sản phẩm của doanh nghiệp vào diện “sản phẩm dễ cháy nổ”, nên yêu cầu tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cao, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phát sinh thêm nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, tương tự như Cadisun, công trình nhà xưởng của APP cũng được xây dựng từ lâu, đến nay cũng không thể đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy giữa các nhà và công trình.

Tuy APP đã nhiều lần có văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, hằng năm, doanh nghiệp vẫn bị thanh tra theo kế hoạch, và tất nhiên đều bị xử phạt vì các lỗi này.

Đảm bảo an toàn hay cơ hội xử phạt

Bên cạnh các kiến nghị về “áp dụng tiêu chuẩn mới và công trình cũ”, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có hướng dẫn và linh hoạt hơn trong cách xác định các công trình phòng cháy chữa cháy.

Cụ thể, Công ty cổ phần Vinafco cho biết, do đặc trưng là doanh nghiệp kho bãi, nên trong nhà xưởng sẽ phải dựng các văn phòng làm việc nhỏ bằng các vách ngăn di động. Theo quy định hiện tại, việc dựng các vách ngăn tạm thời này phải trình thiết kế và thẩm duyệt lại về phòng cháy chữa cháy, việc này gây phiền hà và tốn kém cho các doanh nghiệp. Thay vào đó, Vinafco đề nghị nên xem xét phương án đồng ý bằng văn bản sau khi doanh nghiệp trình phương án thay đổi tạm thời lên cơ quan phòng cháy chữa cháy, kết hợp giám sát thực tế của công an phòng cháy chữa cháy tại địa bàn kiểm tra để doanh nghiệp được chấp thuận linh hoạt thực hiện các thay đổi.

Hay yêu cầu lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động cho khu vực có các giá cao trên 5,5m chứa hàng hóa cháy được theo quy định tại Điều 7, phụ lục C TCVN 3890:2009. Trên thực tế, để thực hiện đúng việc này rất tốn kém chi phí, gây khó khăn trong vận hành đặc biệt với các doanh nghiệp vận hành kho bãi, việc thay đổi các phương án dựng, lắp giá kệ có thể diễn ra liên tục theo yêu cầu của khách hàng, đặc tính hàng hóa….

phòng cháy chữa cháy
Xưởng sản xuất của Công ty Phụ gia và phát triển dầu mỏ APP

Ngoài ra, Công ty cổ phần xây dựng công nghiệp kết cấu thép Vicco T&S còn cho biết, trong quá trình thực hiện triển khai các dự án, thẩm duyệt và thi công hạng mục Phòng cháy chữa cháy đã gặp rất nhiều vướng mắc về mặt thủ tục, quy định kỹ thuật dẫn tới tiến độ và chi phí dự án đẩy lên rất nhiều.

Vicco T&S kiến nghị, dự án công nghiệp đối với nhà xưởng, nhà kho đã thiết kế và thi công hệ thống chữa cháy tự động sprinkler thì không phải yêu cầu sơn chống cháy cho hệ kết cấu thép cột kèo cho nhà xưởng nhà kho.

Hệ thống thông gió chống tụ khói đối với nhà xưởng và nhà kho cũng gây phát sinh chi phí rất nhiều cho doanh nghiệp là các Chủ đầu tư. Đề nghị tính toán thiết kế và xử lý bằng phương án thông gió tự nhiên, không phải làm hệ thống cưỡng bức.

Hệ thống bù khí cho nhà xưởng nhà kho kiến nghị không áp dụng vì sử dụng đối với hạng mục nhà kho, nhà xưởng không thực tiễn gây lãng phí đầu tư quá lớn.

Tính toán dung tích bể phòng cháy chữa cháy, đề nghị điều chỉnh giảm theo quy định cũ, càng ngày yêu cầu dung tích càng lớn làm đội chi phí đầu tư.

Đặc biệt, nêu rõ tính chất “áp đặt” và thiếu thực tiễn, Cáp điện Cadisun cho rằng mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa bao gồm thuế VAT theo quy định tại Nghị định số 97/2021/NĐ-CP của Công ty CADISUN là 0,15% x số tiền bảo hiểm hiện nay là quá cao. Theo CADISUN, hiện tại các Ngân hàng đang bán mức Bảo hiểm cháy nổ tự nguyện là 0.04% x số tiền bảo hiểm với cùng những quyền lợi được hưởng như bảo hiểm bắt buộc, ngoài ra còn thêm các quyền lợi tốt hơn cả bảo hiểm bắt buộc.

Việc chênh lệch nhiều mức phí bảo hiểm giữa Bảo hiểm cháy nổ Bắt Buộc và Bảo hiểm cháy nổ tự nguyện gây khó khăn về chi phí cho doanh nghiệp đang hoạt động. Đề nghị xem xét điều chỉnh mức phí đóng Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phù hợp với thực tế giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đều cho rằng cơ quan nhà nước về phòng cháy chữa cháy nên có hoạt động đánh giá rủi ro thực thế về phòng cháy chữa cháy của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, có xếp hạng về mức độ rủi ro phòng cháy chữa cháy từ đó có các hoạt động kiểm soát, đánh giá thường xuyên, sát sao hơn tương ứng với xếp hạng rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các doanh nghiệp. Các bộ phòng cháy chữa cháy cần phát huy vai trò hỗ trợ giúp doanh nghiệp phòng cháy hơn là kiểm tra giám sát để xử lý vi phạm.

Có thể bạn quan tâm