Chủ tịch HBA-VACOD cam kết hỗ trợ hội viên kiến nghị về quy định phòng cháy chữa cháy

Trong khuôn khổ chương trình Bữa sáng doanh nhân, Chủ tịch HBA-VACOD, TS Nguyễn Hồng Sơn đã thông tin với các hội viên về nội dung và kết quả cuộc họp về các quy định, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì mới đây....
bữa sáng doanh nhân
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn chủ trì chương trình Bữa sáng doanh nhân ngày 13/5

Tại chương trình Bữa sáng doanh nhân, Chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, TS Nguyễn Hồng Sơn đã có những trao đổi với các hội viên xung quanh cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Công an, TP. Hà Nội, TP. HCM và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết, qua công tác tập hợp các kiến nghị của hội viên VACOD – HBA, có 3 nội dung đáng chú ý.

Thứ nhất là trong quá trình xây mới các công trình như kho bãi, văn phòng, địa điểm sản xuất… các doanh nghiệp cho rằng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay là quá cao so với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ tịch cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần làm rõ ràng là cao ở đâu và cao như thế nào?!

Thứ hai là áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn này vào các công trình hiện hữu, bao gồm cả công trình đã thi công xong và công trình đang thi công gặp nhiều khó khăn. “Có doanh nghiệp phản ánh, thời điểm thi công được hướng dẫn quy chuẩn phòng cháy chữa cháy này, nhưng sau 3 tháng thì lại có quy chuẩn mới thì lại được yêu cầu phải áp dụng quy chuẩn mới. Điều này khiến dự án phải kéo dài thời gian đầu tư và tăng kinh phí”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

bữa sáng doanh nhân
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông tin về cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về các quy định, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy

Thứ ba là quy định, quy chuẩn nhiều, phức tạp khiến các đơn vị, cả tư vấn dự án và tư vấn phòng cháy chữa cháy cũng không nắm rõ được hết, dẫn đến việc gửi văn bản qua lại trao đổi rất mất thời gian, tốn nhiều kinh phí.

Dựa trên các nhóm nội dung kiến nghị của các hội viên, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đã có các kiến nghị đến Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan.

Thứ nhất, tính pháp lý của Luật phòng cháy chữa cháy có 2 mốc thời gian là trước năm 2001 – khi có Luật phòng cháy chữa cháy, thứ hai là mốc 1/7/2014 khi Luật phòng cháy chữa cháy sửa đổi năm 2013 có hiệu lực. Chủ tịch HBA-VACOD khẳng định, công trình được xin phép thẩm định, xây dựng ở giai đoạn nào thì được áp dụng quy chuẩn của giai đoạn đó và luật không có hồi tố.

“Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định về mặt quy chuẩn trước hết là luật là không có tính hồi tố, còn quy chuẩn là trách nhiệm của Bộ Xây dựng nêu ra, Bộ cũng khẳng định không có tính hồi tố", Chủ tịch nói.

Tuy nhiên, vấn đề không hồi tố này phải công khai, công bố. “Không chỉ Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố mà Chính phủ, các tỉnh thành phố cũng đều phải công bố vấn đề này để các doanh nghiệp, cá nhân được biết” Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nêu quan điểm.. 

Thứ hai, vì không hồi tố, nên Chủ tịch Sơn cho rằng đối với việc áp dụng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy sẽ có ba giai đoạn áp dụng luật: Công trình xây dựng từ trước năm 2001 là thời điểm ban hành Luật phòng cháy chữa cháy thì sẽ không xem xét yêu cầu thực hiện theo các quy chuẩn xây dựng về phòng cháy chữa cháy ban hành sau khi có luật phòng cháy chữa cháy năm 2001.

Công trình xây dựng từ 2013 trở về trước là thời điểm ban hành luật sửa đổi Luật phòng cháy chữa cháy thì áp dụng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành trước năm 2014; Công trình xây dựng từ 2014 trở về sau mới phải áp dụng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy ban hành hiện nay, nhưng cũng theo nguyên tắc công trình xây dựng tại thời điểm nào thì áp dụng theo quy chuẩn hiện hành của thời điểm đó.

Tuy nhiên, không phải như vậy là các công trình này không có phòng cháy chữa cháy, mà nên áp dụng được các quy định đến đâu thì áp dụng. Cụ thể như có thể cách trang bị thêm bình chữa cháy, hoặc thiết bị cảnh báo cháy tự động…

Còn đối với các công trình trong giai đoạn chuyển tiếp, thời điểm cấp phép xây dựng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn nào thì khi hoàn công sẽ áp dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đó. Ví dụ như công trình cấp phép nửa đầu năm 2014 thì áp dụng Luật Phòng cháy chữa cháy 2001.

bữa sáng doanh nhân

Thứ ba là quy định về phòng cháy chữa cháy cao, Chủ tịch cho rằng thể hiện qua tỷ lệ chi phí về phòng cháy chữa cháy trong một suất đầu tư đối với các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình xây dựng công nghiệp đang ở 20%, là mức quá cao.

Nhưng trong phát biểu tại cuộc họp, 2 Bộ Công an – Xây dựng cho biết sẽ rà soát lại, nên Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị rà soát lại dựa trên kiến nghị trực tiếp của doanh nghiệp, hoặc thông qua ý kiến góp ý của các Hiệp hội. Chủ tịch cho biết có thể sẽ tổ chức một buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng để hai bên làm rõ hơn về vấn đề này.

Sau khi các bên có ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có các kết luận. Trong đó Phó Thủ tướng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, bao gồm việc đẩy mạnh xã hội hoá, tức là giao thêm quyền tự chịu trách nhiệm cho chủ đầu tư, co quan tư vấn thiết kế…

Bộ Công an, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát và kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Chuẩn bị lộ trình pháp lý toàn diện, phù hợp, hiệu quả, khả thi; tăng cường đào tạo nhân lực; đẩy mạnh xã hội hoá để tăng cường năng lực cho lực lượng PCCC.

Các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp, hiệp hội chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào quá trình xây dựng, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC phù hợp với điều kiện thực tế….

bữa sáng doanh nhân
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ

Góp ý về các quy định, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy tại chương trình Bữa sáng doanh nhân, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ cho rằng các ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn là rất trúng và đúng.

Ông Dũng cho biết, nếu như trước đây, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thanh, kiểm tra được quy định chỉ 1 lần/năm, thì thời điểm hiện tại, mỗi năm công ty ông phải tiếp 4 đoàn thanh kiểm tra với cùng một nội dung làm việc.

Về tính không hồi tố, ông Dũng cho biết, công ty ông có nhà máy xây dựng từ năm 2014, nhưng luôn bị phạt vì cơ quan chức năng áp dụng quy định phòng cháy chữa cháy hiện tại. Do đó, "Việc không hồi tố nên được thể hiện bằng văn bản quy định rõ ràng để chúng tôi có thể giải trình với cơ quan chức năng", ông Dũng nói.

Tiếp thu ý kiến của hội viên, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết cũng đã kiến nghị sẽ có một buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp hiệp hội và cơ quan chức năng để doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc trực tiếp lên Bộ trưởng.

Về buồi làm việc với Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản kết luận.

Còn trong thời điểm hiện tại, doanh nghiệp có vướng mắc, có thể chủ động gửi văn bản kiến nghị tháo gỡ, Hiệp hội sẽ có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng trả lời, và cơ quan chức năng.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, với tư cách là tổ chức đại diện, bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có kiến nghị, Hiệp hội sẽ thay mặt doanh nghiệp có văn bản đấu tranh, kiến nghị lên các Bộ, ngành và Chính phủ.

“Nếu doanh nghiệp ngại đụng chạm thì cứ gửi văn bản kiến nghị đến Hiệp hội, Hiệp hội sẽ tổng hợp và dùng tư cách đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp để đấu tranh, gửi văn bản đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nội dung mà doanh nghiệp kiến nghị”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.

bữa sáng doanh nhân
Ông Hoàng Ngọc Dũng, đại diện công ty R&V Việt Nam giới thiệu về công ty

Ngoài ra, trong chương trình bữa sáng doanh nhân tuần này, tiếp nối sự kiện hội viên tự giới thiệu sản phẩm để tăng cường giao lưu, kết nối, ông Hoàng Ngọc Dũng, đại diện của Công ty R&V Việt Nam đã giới thiệu về nhà hàng và các hoạt động của công ty.

Theo đó, nhà hàng chuyên về rượu vang và các món ăn Châu Âu. Tuy nhiên, để phù hợp với giao lưu văn hóa, nhà hàng cũng có menu về đề ăn phương Đông.

Về cơ sở vật chất, nhà hàng có 5 tầng, bố trí phù hợp với không gian thưởng thức rượu vang, phục vụ cả các chương trình giao lưu văn nghệ...

Một số hình ảnh khác tại chương trình:

bữa sáng doanh nhân
bữa sáng doanh nhân
bữa sáng doanh nhân
bữa sáng doanh nhân
bữa sáng doanh nhân

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…