Quyết tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Chủ tịch NCB nghĩ gì?

Với việc dự kiến chưa có lợi nhuận từ nay đến tận năm 2028, công cuộc phát hành cổ phiếu riêng lẻ của NCB sẽ phần nào gặp khó khăn...

Quyết tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Chủ tịch NCB nghĩ gì?

Ngày 13/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB – mã chứng khoán: NVB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Tại đại hội, trong số các tờ trình xin ý kiến, nội dung nhận được sự chú ý của cổ đông NCB đó là việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Bởi theo cổ đông, thay vì hoạt động phát hành cho cổ đông hiện hữu, việc ngân hàng chọn lựa tăng vốn theo hướng phát hành cổ phiếu riêng lẻ sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu, giảm quyền của các cổ đông nhỏ lẻ.

Suy tư trên có thể hiểu được. Nhất là khi cơ cấu cổ đông cô đặc vốn là điểm nổi bật lâu nay của NCB. Như tại đại hội này, dù chỉ có 35 cổ đông tham dự, đại hội vẫn có thể diễn ra thuận lợi với tỷ lệ gần 92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Song, cũng cần nhấn mạnh rằng, kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.800 tỷ đồng bằng cách phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Hay nói cách khác, tờ trình tại đại hội cổ đông năm nay chỉ mang tính chất nhắc lại.

Tuy nhiên, để giải thích thêm cho cổ đông, bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch NCB cho hay, việc nâng cao vốn điều lệ là cần thiết, vì sẽ giúp cho ngân hàng hoạt động hiệu quả, đáp ứng được các quy định pháp luật hiện hành.

Bà Hương cũng khẳng định: “Mọi quyền lợi của cổ đông hiện hữu, trong đó có cổ đông nhỏ lẻ đều được NCB bảo vệ. Mức giá phát hành riêng lẻ là 10.000 đồng không thấp và đã cao hơn giá trị sổ sách của ngân hàng tính đến cuối năm 2023 là 9.000 đồng/cổ phiếu”.

Còn lý do phải phát hành riêng lẻ, vị Chủ tịch NCB chia sẻ là vì điều kiện để phát hành cho cổ đông hiện hữu là rất khắt khe, ngân hàng chưa đáp ứng được điều kiện.

Thực ra, không chỉ phát hành cho cổ đông hiện hữu mới gặp khó khăn, con đường NCB chọn tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cũng sẽ không hề bằng phẳng.

Bởi tỷ lệ nợ có vấn đề của NCB đang ở mức cao. Trong giai đoạn 2019-2023, ngân hàng phải chi trả khoảng 2.000 tỷ đồng chi phí cho những khoản không sinh lời. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận năm 2023 của ngân hàng không được như kỳ vọng.

Như vậy, tồn đọng cần xử lý còn rất nhiều. Thậm chí, nếu không xuất hiện thêm những cú sốc của nền kinh tế, dự kiến nhanh nhất phải tới năm 2028 thì NCB mới bắt đầu có lãi.

“NCB đang tiếp tục đi tìm cổ đông riêng lẻ, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng quản trị. Dự kiến nhiều năm không có lợi nhuận mà nhà đầu tư vẫn sẵn sàng vào tiền để vực dậy tình hình kinh doanh thì NCB vẫn vô cùng biết ơn nhà đầu tư mới”, bà Hương nói và bày tỏ sự đồng cảm với cổ đông hiện hữu: “Tôi tin rằng, tỷ lệ sở hữu có thể giảm xuống nhưng giá trị ngân hàng sẽ lên, tài sản theo số tuyệt đối của cổ đông cũng sẽ tăng theo”.

Quay lại với các tờ trình, một nội dung khác cũng được cổ đông NCB quan tâm đó là điểm lại kế hoạch kinh doanh năm 2023 và phương án kinh doanh 2024.

Theo đó, NCB cho biết, năm 2023, ngân hàng đạt và vượt 3 chỉ tiêu gồm: tổng tài sản tăng lên mức 96.265 tỷ đồng (vượt 2%); huy động vốn 80.043 tỷ đồng (vượt 3%); quy mô khách hàng đạt 1 triệu khách hàng.

6461746d-0e04-46c6-a1fd-e88e20582d74-146.jpeg

Sang năm 2024, NCB quyết tâm tăng quy mô khách hàng thêm 15%, đạt 1,15 triệu khách hàng. Lũy kế khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số NCB iziMobile đến cuối năm 2024 dự kiến đạt 595.051 khách hàng, tăng 34%; lũy kế số lượng thẻ tín dụng đạt 31.991 thẻ, tăng 28% so với năm 2023. Qua đó, ngân hàng kỳ vọng CASA đạt 6.075 tỷ đồng, tăng 24% so với kết quả 2023. Riêng về lợi nhuận, như đã nêu, ngân hàng dự kiến dồn toàn lực cho phương án tái cơ cấu.

Để đạt được kết quả này, NCB đã lựa chọn cho mình Chiến lược phát triển ngân hàng với tầm nhìn dài hạn và khát vọng trở thành ngân hàng cung cấp dịch vụ và giải pháp tài chính tốt nhất cho phân khúc khách hàng siêu giàu trong 10 năm tới. Dự kiến cuối 2024, NCB sẽ cho ra mắt “Digital Wealth” - giải pháp quản lý gia sản hỗn hợp số đầu tiên mang tính vượt trội và chưa từng có tại thị trường Việt Nam.

Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, NCB sẽ phát triển sản phẩm theo hướng “may đo” cho khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ra mắt sản phẩm trọn gói theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Sau khi được lãnh đạo NCB giải thích, các nội dung tờ trình được Đại hội thông qua với tỷ lệ hơn 99,7%.

Xem thêm

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng NCB đi ngang trong tháng 4/2024

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng NCB đi ngang trong tháng 4/2024

Bước sang tháng 4, lãi suất tiết kiệm ngân hàng NCB đang duy trì ở mức 3,2 – 5,4%/năm, đối với các kỳ hạn từ 1 – 60 tháng và nhận lãi cuối kỳ. Trong đó, mức lãi suất cao nhất 5,4%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 – 60 tháng...

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...