Đặc biệt là dịp Tết đến xuân về, nơi đây không chỉ rực rỡ sắc hoa mai anh đào trong khuôn viên, mà còn rực rỡ sắc màu của mai anh đào và các loài hoa khác trong tranh thêu XQ nổi tiếng.
Hội hoạ và tranh thêu - khi tình yêu hoà quyện
XQ là tên tắt từ chữ cái đứng đầu của hai vợ chồng anh Võ Văn Quân và chị Hoàng Lệ Xuân người gốc Huế. Anh Võ Văn Quân và chị Hoàng Lệ Xuân đều có chung niềm đam mê tranh thêu nghệ thuật, nên đã thành lập cơ sở tranh thêu XQ để vừa thỏa mãn niềm đam mê, vừa bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của quê hương xứ Huế.
Là người may mắn được truyền dạy và tiếp nối những kỹ xảo nghề thêu trong cung đình cố đô Huế, chị Hoàng Lệ Xuân đã tỷ mẩn công phu trong từng đường kim mũi chỉ để thêu nên những bức tranh tuyệt đẹp lay động lòng người. Tuy là một bác sĩ ngành X-quang, nhưng anh Võ Văn Quân lại rất có năng khiếu về hội họa, nên đã định hướng một lối đi riêng cho thương hiệu tranh thêu XQ.
Để nghệ thuật tranh thêu XQ không đi vào lối mòn, anh Võ Văn Quân đã quyết tâm đổi mới, sáng tạo thể nghiệm kết hợp nghệ thuật thêu với nghệ thuật hội hoạ. Chính nhờ vào sự thể nghiệm thành công ấy, tranh thêu XQ đã đem lại cho tranh thêu Việt Nam một sắc thái mới, độc đáo, đặc sắc xóa đi sự đơn điệu. Sự sáng tạo cùng với nhẫn nại công phu trong thể hiện thực sự đã đem lại những tinh hoa chắt lọc cho bộ môn nghệ thuật này.
Những năm đầu thập niên 90 (1990-1992), vợ chồng anh Quân chị Xuân đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cùng nhau sáng tác những bức tranh thêu độc đáo. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân lành nghề, những bức tranh thêu theo chủ đề như: “Về một đời người” hay “Về quê hương”, trở nên sống động hơn, tuyệt mỹ hơn của nghệ thuật tranh thêu, được nhiều người thưởng lãm rất thích thú.
Khi thương hiệu tranh thêu QX đã nổi tiếng ở Huế, cuối năm 1992, hai anh chị đến Đà Lạt để mở lớp đào tạo nghề thêu tranh nghệ thuật, mục đích chính là muốn đưa loại hình nghệ thuật này phổ biến rộng rãi hơn, được ưa chuộng hơn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố ngàn hoa Đà Lạt.
Các nghệ nhân được đào tạo bài bản để vừa vẫn giữ được giá trị tinh thần ban đầu của tranh thêu, vừa có tiếp thu những tinh hoa của hội họa Việt Nam và thế giới. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn từng mi li mét, những chi tiết tuy nhỏ nhưng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của bức tranh thêu nghệ thuật.
Vào đầu năm 1994, tổ hợp tác thêu lụa được hình thành dưới cái tên XQ Đà Lạt. Anh chị đã cùng 20 nghệ nhân duy trì và phát triển loại hình tranh thêu này. Đến ngày 30-1-1996, Công ty TNHH XQ Đà Lạt chính thức đi vào hoạt động dưới sự dẫn dắt đầy tâm huyết của anh chị.
Chỉ 10 năm sau, Công ty đã ghi dấu thương hiệu tranh thêu XQ trải dài khắp mọi miền đất nước như tranh thêu XQ Huế, tranh thêu XQ Đà Nẵng, tranh thêu XQ Sài Gòn, tranh thêu XQ Nha Trang, tranh thêu XQ Hà Nội… tạo cơ hội việc làm cho hơn 2.000 người với nhiều trình độ tay nghề khác nhau. Với giá trị nghệ thuật cao và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tranh thêu đã chinh phục được đông đảo người yêu cái đẹp, cả ở trong nước và nước ngoài.
XQ Sứ Quán Đà Lạt - Hành trình gian nan đi tìm chân trời mới
Với khuôn viên có diện tích lên tới 1.200 mét vuông, XQ Sử Quán là một không gian có ngoại cảnh được kiến tạo thể hiện sự thuần khiết của thiên nhiên và những tinh hoa trong văn hóa truyền thống, với những ngôi nhà cổ kính theo kiến trúc cổ truyền.
Đặc biệt không gian dành cho du khách tham quan được chia thành nhiều khu vực có những tên gọi toát lên sắc thái riêng. Đó là khu vực truyền thống, nơi kể lại những câu chuyện, những ký ức liên quan đến sự tồn vong của ngành nghề giúp cho du khách tìm hiểu về lịch sử nghề thêu truyền thống. Tại không gian này, những người nghệ nhân sẽ tái hiện lại hành trình đầy gian nan đi tìm một chân trời mới cho ngành thêu.
Du khách sẽ được đắm chìm trong những thước phim lịch sử của bộ môn độc đáo này, từ đó hiểu rằng, để đạt được thành công như ngày hôm nay, ngành nghề này đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn gian nan.
Khu vực bản sắc khắc họa tái hiện lại chân dung của tổ tiên nghề thêu vì đây là một trong những yếu tố quan trọng trong ngành nghề kết hợp sáng tạo ra nghệ thuật tranh thêu. Để tôn vinh những nghệ nhân thêu, nơi đây trở thành không gian văn hoá thiêng liêng để tổ chức lễ hội giỗ Tổ nghề thêu hàng năm vào ngày 12 tháng 6 âm lịch (ngày mất của ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành).
Đến với khu vực bản sắc, du khách sẽ hiểu sâu sắc hơn về nghề thêu truyền thống được lưu giữ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa từ lâu đời của ông cha ta. Từ xa xưa trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Trai thì đọc sách ngâm thơ/ Gái thì kim chỉ thêu thùa vá may” nói về người phụ nữ với nghề thêu thùa. Bởi ông bà ta từ lâu đời đã biết dùng chỉ, tơ, sợi nhuộm màu để thêu thùa trang trí hoa lá, chim thú, phong cảnh trên khăn, túi, xiêm y…
XQ Sử Quán có 3 nghệ thuật thêu tranh đặc sắc: Nghệ thuật thêu tranh chân dung; nghệ thuật thêu tranh hai mặt; nghệ thuật thêu tranh phong cảnh. Tham quan khu vực này, du khách tận mắt chứng kiến và cảm nhận được sự tỷ mẩn công phu tinh xảo trong từng mũi kim đường chỉ của những người nghệ nhân.
Qua “đôi bàn tay vàng” của họ, những đường nét trên gương mặt người, những chi tiết nhỏ trong cảnh vật tự nhiên, hay cách để tạo ra 2 bức tranh hoàn hảo ở cả 2 mặt,… không phải ai cũng làm được. Sự chăm chỉ, công phu rèn luyện tay nghề, niềm đam mê của các nghệ nhân đã hoá giải độ khó của những thử thách này.
Họ hòa mình vào công việc và thổi hồn vào các tác phẩm vừa rất chuyên nghiệp, vừa đầy cảm hứng sáng tạo nghệ sĩ. Ngoài ra trong không gian của XQ Sử Quán còn có các khu như vườn tri kỷ, khu ẩm thực, phố cà phê…đều mang phong cách cổ điển truyền thống rất hấp dẫn du khách.
Rực rỡ sắc màu các loài hoa
XQ Sử Quán rất tôn trọng mảnh đất Đà Lạt, nơi mà họ đặt những bước chân đầu tiên cho ngành thêu tranh nghệ thuật này. Để bày tỏ sự biết ơn và dành tình yêu của mình cho thành phố ngàn hoa thơ mộng này, họ có riêng một khu vực để giới thiệu về phong cảnh và con người Đà Lạt.
Với ý tưởng và chủ đề về “ngôn ngữ các loài hoa”, đến không gian rực rỡ sắc màu này, du khách sẽ bắt gặp và được thưởng lãm một cách thật mãn nhãn với nhiều cung bậc cảm xúc, bởi sự hiện hữu của những bức tranh thêu tay cầu kỳ đa dạng phong phú về màu sắc, bố cục, đường nét tinh tế đạt tới độ hoàn mỹ về các loài hoa.
Ở đây có nhiều bức tranh về các loại hoa được thực hiện một cách công phu phải mất vài tháng, thậm chí cả năm trời mới hoàn thiện. Bức tranh “Khúc hát nguồn cội” thể hiện một gốc đào cổ thụ với chi chít vô vàn những nụ và hoa đang khoe sắc rực rỡ trong tiết xuân của trời đất, của hân hoan lòng người là một ví dụ. Đây là bức tranh đạt kỷ lục tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam, với kích thước 330 x 280 cm, do 9 nghệ nhân tay nghề cao thêu trong suốt 235 ngày mới hoàn thiện (bức tranh có giá 1,2 tỷ đồng).
Đề tài xuyên suốt của tranh thêu XQ là về thiên nhiên quê hương, đất nước trong đó số tranh về phong cảnh và các loài hoa của Đà Lạt chiếm tỷ lệ lớn nhất ở XQ Sử Quán. Một trong những loài hoa mà tranh thêu XQ thể hiện nhiều trong dịp Tết đến xuân về đó là hoa mai anh đào đặc trưng của Đà Lạt.
Cũng giống như hoa đào xứ Bắc, hoa mai anh đào đối với mỗi người dân Đà Lạt hay du khách yêu Đà Lạt đều coi đây là loài hoa của mùa xuân, của ngày Tết. Trong không gian của nhiều gia đình ở Đà Lạt vào ngày Tết, sự hiện diện của một cành hoa mai anh đào, hay một bức tranh thêu hoa mai anh đào của XQ giống như một thông điệp báo hiệu một năm thuận lợi nhiều may mắn. Màu hồng của sắc mai anh đào tạo cho người ta cảm giác thật bình an, thư thái.
Vì thế, mai anh đào chính là biểu tượng của sự an lành, hạnh phúc. Đồng thời hoa mai anh đào còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và đức tính khiêm nhường nhẫn nhịn, linh thiêng.
Đây là loài hoa đã xuất hiện ở Đà Lạt hơn 100 năm, được trồng khắp các phố phường, từ những trục đường chính tới các con hẻm nhỏ, từ hàng rào của những căn biệt thự sang trọng cho tới khuôn viên của từng gia đình, công sở, trường học… Chính vì thế hoa mai anh đào đã quá đỗi thân thuộc với người dân và đã đi vào thi ca, nhạc, họa trở thành biểu tượng mùa xuân của thành phố ngàn hoa.
Sau hoa mai anh đào, hoa mẫu đơn cũng là loài hoa xuất hiện nhiều trên tranh thêu XQ Đà Lạt. Hoa mẫu đơn được xem là loài hoa đẳng cấp được nhiều người ưa chuộng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là loài hoa sang trọng vương giả, theo quan niệm của người phương Đông là biểu tượng cho sự giàu có phồn vinh, thịnh vượng, sắc đẹp và trí tuệ.
Theo phong thủy, hoa mẫu đơn còn được coi là vật phẩm linh thiêng cho phú quý và tình duyên. Chính vì thế sở hữu một bức tranh thêu hoa mẫu đơn XQ để trang trí theo phong thủy trong nhà vào năm mới với mong muốn loài hoa này đem lại sự may mắn, tài lộc, giàu sang phú quý cho gia đình là sự lựa chọn của rất nhiều du khách.
Ngoài hai loài hoa đặc trưng kể trên, rất nhiều loài hoa khác như hoa hồng, hoa đỗ quyên, hoa cẩm tú cầu… cũng được tranh thêu XQ thể hiện thật khéo léo, sáng tạo với nhiều tác phẩm độc đáo. Trong đó hoa cẩm tú cầu cũng là loài hoa chủ yếu được trồng ở những vùng có khí hậu quanh năm mát mẻ như Đà Lạt, Tam Đảo, Sapa.
Đây là loài hoa mang vẻ đẹp mong manh, tinh tế tượng trưng cho sự kiêu sa và tình yêu chung thủy nên tranh thêu hoa cẩm tú cầu của XQ được giới trẻ rất ưa chuộng. Ngoài ra, hoa hồng trong tranh thêu XQ với nhiều mẫu mã tuyệt đẹp, tượng trưng cho tình yêu lãng mạn, sâu đậm, mãnh liệt và vĩnh hằng này cũng là một trong những sản phẩm được nhiều du khách yêu thích sở hữu hoặc mua làm quà tặng cho những người thân yêu của mình, khi tới tham quan XQ Sử Quán.
XQ Sử Quán Đà Lạt thực sự là nơi truyền cảm hứng cho nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam và tôn vinh giá trị cao quý của những nghệ nhân. Là người công đóng góp rất thiết thực cho nền văn hoá du lịch Việt Nam, anh Võ Văn Quân vinh dự là một trong ba người đầu tiên ở Việt Nam nhận giải thưởng “The Guide Award”. Đây là một phần thưởng vô cùng xứng đáng với những cống hiến của anh cho nghệ thuật tranh thêu nước nhà.