Sacombank cần 3-5 năm để tái cơ cấu

Theo đề án, các khoản dự thu từ năm 2015 trở về trước được "khoanh lại" và phân bổ dần qua các năm. Từ năm 2016, Sacombank không đưa khoản này vào thu nhập lãi thuần nữa.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã được NHNN phê duyệt đề án tái cơ cấu hậu nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam cách đây đúng 1 tuần (ngày 22/5).

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2016 hợp nhất, cuối năm 2016 nợ xấu của Sacombank là 13.166 tỷ đồng, chiếm 6,8% và số đã bán cho VAMC 37.300 tỷ đồng. Số nợ xấu này phần lớn là tồn đọng từ đơn vị sáp nhập (Ngân hàng Phương Nam) do quan điểm cho vay trước đây của PNB chủ yếu dựa vào tài sản đảm bảo là bất động sản. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì tính thanh khoản của những khoản nợ này bị suy giảm, khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng, quá trình xử lý kéo dài. Vì Sacombank có nền tảng vững chắc nên mới được lựa chọn để nhận sáp nhập NH Phương Nam vào để xử lý tồn đọng này. Tuy nhiên để tái cơ cấu thành công thì Sacombank cần một số cơ chế để hỗ trợ theo như đề xuất trong đề án mà Chính phủ và NHNN đã xem xét rất kỹ (gần 1,5 năm) và duyệt thuận.

Theo đề án, Sacombank đưa ra thời gian để thực hiện thành công tái cơ cấu là 10 năm (2015-2025) trên cơ sở thận trọng nhưng Sacombank mong muốn có thể đẩy nhanh tiến độ hơn, trong 3 năm xử lý được 70% nợ xấu và nếu cơ chế vĩ mô cùng hoạt động ngành ổn định, thuận lợi thì trong vòng 5 năm sẽ cơ bản xử lý dứt điểm, đưa Sacombank trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây, giảm nợ xấu xuống dưới 3%.

Về chênh lệch tỷ lệ nợ xấu trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, từ 5,5% lên 6,8%, trong đánh giá nợ thường có 2 phần là định lượng và định tính và theo tính toán ban đầu của Sacombank thì ở mức 5,5%. Tuy nhiên theo tinh thần của NHNN trong tái cơ cấu là muốn xử lý nợ phải đánh giá lại thực chất các khoản nợ, rà soát triệt để các tiềm ẩn của các khoản vay, nên sau khi kiểm toán con số này tăng lên 6,8%, chủ yếu là theo quan điểm và định tính của kiểm toán.

Về hướng giải quyết nợ xấu theo đề án: Nợ xấu của Sacombank phần lớn liên quan đến bất động sản, các khoản vay đều có tài sản đảm bảo đầy đủ. Nhưng do vướng cơ chế, thị trường bất động sản giai đoạn 2013-2015 không còn sôi động như trước, thời gian xử lý kéo dài... dẫn đến phát sinh lãi dự thu (từ tài sản có không sinh lời). Hiện thị trường bất động sản đang có chiều hướng tích cực hơn thì Sacombank có cơ sở để xử lý các tài sản đảm bảo là bất động sản thuận lợi hơn, có thể thu về được nợ gốc và 1 phần lãi dự thu.

Đặc biệt theo đề án, các khoản dự thu từ năm 2015 trở về trước được "khoanh lại" và phân bổ dần qua các năm. Từ năm 2016, Sacombank không đưa khoản này vào thu nhập lãi thuần nữa vì các hoạt động lõi của Sacombank (huy động, cho vay, dịch vụ) vẫn duy trì ổn định, tăng trưởng ổn định, có lãi để bù đắp. Bên cạnh đó, những khoản nợ đã bán cho VAMC thì cũng phải thoái số lãi dự thu tương ứng nên ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần.

Và chính bởi thực hiện theo chỉ đạo của NHNN là chỉ khoanh lãi dự thu đến cuối năm 2015, trong khi Sacombank đề xuất khoanh lãi dự thu tại thời điểm trình là tháng 3/2016 vì nhận thấy các hoạt động lõi của Sacombank vẫn đảm bảo sinh lời để bù đắp nên kết quả sau kiểm toán năm 2016 xuất hiện con số chênh lệch hơn 1.000 tỷ đồng trong lãi dự thu.

Riêng đối với mảng tín dụng của Sacombank thì vẫn tăng trưởng tốt, tập trung vào mảng bán lẻ, trong tổng dư nợ hơn 15.000 tủ đồng từ đầu năm thì có đến 11.000 tỷ đồng là cho vay khách hàng cá nhân, chủ yếu là cho vay ngắn hạn, đảm bảo cơ cấu cho vay ổn định và an toàn. Để góp phần xử lý nợ xấu tồn đọng thì đối với những khoản vay mới, Sacombank đặt mục tiêu nghiêm khắc hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu chỉ giới hạn ở mức 1-1,5%.

Về nhân sự, thời gian vừa qua có khá nhiều thông tin về các nhà đầu tư có ý định tham gia tái cơ cấu Sacombank. Điều đó chứng tỏ Sacombank vẫn có sức hấp dẫn. Cụ thể, Sacombank là ngân hàng có mạng lưới đứng thứ 4 trong hệ thống NH Việt Nam, tài sản đứng thứ 6, thương hiệu uy tín tại hầu hết các tỉnh thành Việt Nam và 2 nước Lào, Campuchia, thị trường bán lẻ tốt, hệ thống văn bản lập quy/quy trình bài bản, đội ngũ nhân sự gắn bó, chuyên nghiệp, văn hoá doanh nghiệp thông suốt, đặc biệt là sự tin tưởng của hơn 4 triệu khách hàng.

Để quá trình tái cơ cấu thành công thì yếu tố quan trọng nhất đối với Sacombank là cơ chế, tất nhiên là nếu có nhà đầu tư có năng lực tài chính thì thời gian sẽ được đẩy nhanh hơn.

Quan điểm của NHNN về nhân sự tham gia HĐQT, BKS Sacombank là ưu tiên sử dụng nhân sự tại chỗ, am hiểu và đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu, đồng thời bổ sung 1 số nhân sự có năng lực bên ngoài. Tuy nhiên, đến nay, chưa có 1 nhà đầu tư nào chính thức đặt vấn đề với Sacombank.

Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ

>> Lộ diện 7 ứng viên chạy đua vào HĐQT Sacombank

Có thể bạn quan tâm