Có thể nhận thấy, một trong những hoạt động mang tính then chốt trong quá trình tái cấu trúc là Sacombank đã mạnh tay sắp xếp lại các điểm giao dịch, chuẩn hóa hoạt động kinh doanh để khẳng định vị thế một trong những Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Không ngừng mở rộng
Ngay từ khi mới thành lập, Sacombank đã mang hoài bão làm thế nào để sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng có thể tiếp cận đến từng người dân trên khắp mọi miền đất nước một cách nhanh nhất.
Vì vậy trong 20 năm đầu tiên từ khi ra đời, phát triển mạng lưới là một trong những giải pháp then chốt trong chiến lược của Sacombank. Đến năm 2012, hệ thống mạng lưới lên đến gần 430 điểm giao dịch là lợi thế nổi bật của Sacombank trong nhóm các ngân hàng TMCP trong nước, phủ kín các tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đồng thời tiên phong mở rộng hoạt động ra khỏi biên giới Việt Nam với Chi nhánh tại Lào và Campuchia (đã được nâng cấp lên Ngân hàng con vào năm 2011 và 2015).
Chiến lược này càng thể hiện tầm nhìn của Sacombank khi Thông tư 21 của NHNN được ban hành vào năm 2013 “siết chặt” việc mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại.
Một bước ngoặt khác đã nâng tầm hơn nữa quy mô hoạt động của Sacombank sau khi sáp nhập thành công vào ngày 01/10/2015 với 563 điểm giao dịch, đứng thứ 5 trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, chỉ sau 4 ngân hàng quốc doanh. Và đến nay, mạng lưới của Sacombank đã lên đến con số 566 điểm giao dịch, trong đó gồm 552 điểm tại 48/63 tỉnh thành Việt Nam và 14 điểm tại 2 nước Lào, Campuchia, tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân.
Tăng cường chất lượng
Bên cạnh mở rộng về số lượng, Sacombank còn chú trọng tăng cường hiệu quả hoạt động của mạng lưới. Trong vòng 2 năm qua, Ngân hàng đã thực hiện tái bố trí 181 điểm giao dịch, cụ thể là nâng cấp toàn bộ các Quỹ tiết kiệm lên mô hình Phòng giao dịch, chuyển quyền quản lý các điểm giao dịch có địa bàn chồng chéo, đổi tên, di dời các điểm giao dịch có vị trí gần nhau đến các địa bàn tiềm năng hơn.
Địa bàn mà Sacombank đang hướng đến là các khu vực ngoại thành, vùng ven, vùng sâu, vùng xa để góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các điểm giao dịch đều nhanh chóng ổn định, tăng trưởng tích cực và chiếm thị phần đáng kể ở các địa phương.
Đặc biệt, theo Đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt, Sacombank sẽ được mở 14 chi nhánh ở phía Bắc trên cơ sở chuyển đổi giấy phép của các chi nhánh hiện có và thành lập 14 PGD trên cơ sở các chi nhánh đã chuyển giấy phép để tiếp tục phục vụ khách hàng tại địa bàn. Như vậy, trong thời gian sắp tới, Sacombank sẽ lần lượt có mặt tại các tỉnh như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn…
Đây là một bước tiến mạnh mẽ trong phát triển mạng lưới của Sacombank khi hiện nay hầu hết các ngân hàng đều bị hạn chế mở chi nhánh theo quy định của Thông tư 21. Sau khi hoàn tất khai trương 14 chi nhánh này, Sacombank sẽ phủ kín mạng lưới tại 62/63 tỉnh thành Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, Sacombank còn đầu tư mua và xây dựng các trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch với cơ sở vật chất hiện đại, tọa lạc tại các vị trí đắc địa, thuận lợi cho giao dịch. Đó là thể hiện cam kết gắn bó của Ngân hàng đối với sự phát triển của các thành phần kinh tế trên địa bàn.