Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa có thông báo, từ ngày 5/9/2024 sẽ phát hành 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh với lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức.
Lãi suất năm đầu tiên của chứng chỉ tiền gửi Sacombank được cố định là 7,1%/năm, các năm sau được điều chỉnh linh hoạt theo lãi suất thị trường. Chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá chỉ từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (tức 84 tháng) và không tự động tái tục. Tiền gốc được thanh toán một lần khi đến hạn và tiền lãi được trả theo định kỳ mỗi năm.
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của Sacombank cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường ở ngân hàng này. Theo biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân, Sacombank đang niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,7%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi online kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng.
Trước Sacombank, một số ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn. Điển hình như, VietinBank công bố ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi mang tên FLEXI với lãi suất cao hơn tiết kiệm.
Đây là sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân. Khi có nhu cầu vốn trước hạn, khách hàng có thể chuyển nhượng lại cho khách hàng khác hoặc Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương với giá thỏa thuận bằng hình thức giao dịch linh hoạt, an toàn và nhanh chóng. Mệnh giá phát hành tối thiểu của chứng chỉ tiền gửi FLEXI là 1 tỷ đồng. Mỗi khách hàng được mua tối đa 30 tỷ đồng.
Tương tự, PVComBank đã phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất tới 8%/năm, mệnh giá chứng chỉ từ 10 triệu đồng. Nhà băng này công bố chỉ phát hành chứng chỉ tiền gửi với hạn mức 5.000 tỷ đồng. Khách hàng có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố chứng chỉ tiền gửi tùy theo thỏa thuận, tăng cường khả năng thanh khoản trong ngắn hạn và dài hạn.
Techcombank cũng có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Bảo Lộc có kỳ hạn 48 tháng, lợi nhuận tới 3,6%/năm cho thời hạn 3 tháng và lãi suất cũng được thay đổi theo từng kỳ. Khách hàng có thể tham gia từ 10 triệu đồng và được phép chuyển nhượng online dễ dàng.
Song song, các ngân hàng cũng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây. Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn, các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Nhóm phân tích MBS cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, ngân hàng phát hành để huy động vốn. Chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài, lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, đối với chứng chỉ tiền gửi, người mua sẽ không được phép tất toán trước khi hết hạn.
Nếu có nhu cầu rút tiền gấp, người sở hữu có thể chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi cho người khác tuỳ thuộc vào điều kiện mà loại hình chứng chỉ tiền gửi đã mua. Trong khi, đối với tiền gửi tiết kiệm, người gửi tiền có thể rút tiền mà không phải chịu phạt hoặc mất lợi suất nếu thực hiện sau khi đủ thời hạn quy định.
Tuy nhiên, nếu người dân có khoản tiền cố định và để trong thời gian dài thì có thể chọn chứng chỉ tiền gửi bởi lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường.