Bà Trần Thị Túc, người viết đơn tố cáo Công ty Modern Tech cho biết, ông Hồ Xuân Văn là người đại diện pháp luật kiêm giám đốc Công ty Modern Tech. Công ty Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan giống như một loại cổ phiếu có giá trị nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số này để huy động vốn.
“Công ty này cam kết với người đầu tư vào tiền ảo iFan được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa bốn tháng. Không chỉ vậy, nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%” - bà Túc cho biết.
Theo đó, iFan được công ty giới thiệu là 1 dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo luật pháp Singapore, dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và fan hâm mộ. Còn PinCoin được gắn mác là dự án đến từ Dubai. Nhóm kinh doanh còn cho người đầu tư xem các video, hình ảnh chủ của đồng Pincoin rồi khẳng định đó là một dự án nghiêm túc và tiềm năng cao. Thậm chí, họ tổ chức gặp người được cho là “ông chủ thật sự” của đồng tiền này. Nhóm phát triển iFan kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan có giá khởi điểm từ 1 - 1,6 USD với lãi suất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng.
Bằng thủ đoạn trên, các thành viên của Công ty Modern Tech đã mời gọi hơn 32.000 nhà đầu tư tham gia dự án tiền ảo iFan. Điều đáng nói, sau khi các nhà đầu tư góp vốn hàng nghìn tỉ đồng thì họ không được các thành viên của Công ty Modern Tech hoàn trả vốn lãi, trả thưởng bằng tiền mặt như đã hứa. Nhóm điều hành các đồng tiền ảo này đã đổi từ hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Lúc này, nhiều người mới… ngã ngửa biết bị lừa.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích: Công ty Modern Tech đưa ra mức lãi suất quá cao và dùng cả “chim mồi” để chiêu dụ các nhà đầu tư. Với mức lãi suất khủng khiếp lên đến 48%/tháng đã đánh trúng vào lòng tham của nhà đầu tư khiến họ dễ dàng rót tiền vào dự án.
“Với mức lãi suất trả cho nhà đầu tư lên đến 48%/tháng, thoạt nghe thì nhà đầu tư cứ nghĩ mình được lời đậm. Họ nhìn thấy khối tài sản của mình ngày càng tăng lên theo cấp số nhân nhưng thực chất đó chỉ là tài sản ảo bởi cuối cùng họ cũng không thể nào rút tiền ra được. Cho dù mỗi đồng tiền iFan tăng giá lên đến 1 tỉ đồng cũng huề vốn thôi vì họ có bán để rút tiền ra được đâu” - ông Khánh nói.
Bằng chứng là dự án iFan trả lãi cho khách hàng bằng coin với giá quy đổi do iFan tự công bố là 5 USD/đồng, song trên thị trường giá trị thực của nó chỉ có khoảng 0,01 USD/đồng coin iFan. Trong khi đó, giá vốn thấp nhất ở đợt huy động vốn lần đầu tiên vào tháng 7-2017 là 0,8 USD/đồng và trong lần huy động vốn tháng 12 năm ngoái tiếp tục được iFan đẩy lên mức 2,6 USD/đồng. “Như vậy ngay cả so với người mua được giá vốn lần đầu thì cũng đã lỗ nặng và những người nhập cuộc chơi muộn hơn thì càng thua đậm hơn nữa” - ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, trước cơn sốt tiền ảo, Chính phủ và NHNN đã ra những thông tư quy định việc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác; đồng thời việc sử dụng tiền ảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 1.1.2018. Từ năm 2014, NHNN cũng đã khẳng định rằng tiền ảo không phải là tiền tệ. Nếu người nào cung ứng, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật và chịu xử phạt theo quy định. Ngoài ra, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ 1.1.2018, những hành vi này có thể bị khởi tố hình sự. Theo đó, những người sở hữu những đồng tiền ảo cũng không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận.
Theo Lao động