Sắp có quy định bán toàn bộ tập đoàn kinh tế nhà nước?

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cần nghiên cứu, ban hành quy định về bán toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Sắp có quy định bán toàn bộ tập đoàn kinh tế nhà nước?

Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước năm 2016.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm

Theo đó, trong năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa được 52 doanh nghiệp nhà nước và 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và 17 địa phương khác.

Ngoài ra, đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 12 doanh nghiệp (giải thể 10 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp).

"Như vậy, từ năm 2011 đến hết năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa được 554 doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa được 4.506 doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có 1 tập đoàn kinh tế, 47 tổng công ty nhà nước và nhiều doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh quan trọng.

Ban Chỉ đạo cũng cho biết, các DNNN trước khi cổ phần hóa đã được xử lý triệt để nợ và tài sản tồn đọng, bảo đảm lành mạnh về tài chính trước khi chuyển thành công ty cổ phần. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược đã mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa và sau khi đã chuyển thành công ty cổ phần. Công tác quản trị, điều hành quản lý thông tin và rủi ro, đầu tư, phát triển và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp này đã có những tiến bộ đáng kể.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong năm 2016 đã thoái được 4.493,7 tỷ đồng (giá trị sổ sách), thu về 7.098,8 tỷ đồng (bằng 1,58 lần giá trị sổ sách), trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, 8 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng và TP. Hà Nội đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp khác.

Đánh giá chung, theo Ban Chỉ đạo, “so với năm 2015, công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra rất chậm, cổ phần hóa bằng 21,7%, thoái vốn bằng 30,2%. Còn không ít cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chưa được ban hành đúng tiến độ theo Chương trình công tác của Chính phủ”.

Cần sửa quy định về doanh nghiệp nhà nước

Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo Ban Chỉ đạo, trong năm 2017 cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Các bộ cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với các luật mới được ban hành, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... và yêu cầu thực tiễn đề ra.

Trong đó, quý I/2017, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định số: 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/07/2011; 189/2013/NĐ-CP, ngày 20/11/2013; 116/2015/NĐ-CP, ngày 11/11/2015 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Trình Chính phủ ban hành các nghị định về quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự bán cổ phần theo hình thức đấu giá theo lô.

Trong quý II/2017, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về bán toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý I cần trình Chính phủ Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển thành công ty cổ phần.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong quý I/2017, căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trực thuộc giai đoạn 2017-2020.

Trong đó, xác định rõ danh mục, lộ trình doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa và doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn cho từng năm, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ phương án sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã phê duyệt.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán để không xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...