Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức chấp thuận nguyên tắc về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank – mã: HDB).
Theo phương án sáp nhập cũng đã được cổ đông của hai ngân hàng thông qua vào cuối tháng 4 vừa qua, tỷ lệ hoán đổi dự kiến sẽ là một cổ phiếu PGBank lấy 0,621 cổ phiếu HDBank.
Với tỷ lệ này, sau khi thực hiện hoán đổi, Petrolimex sẽ sở hữu 74,52 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 6,4% và trở thành cổ đông lớn của HDBank; còn ông Lê Minh Quốc sẽ sở hữu 8,676 triệu cổ phiếu HDB, tương đương tỷ lệ sở hữu đạt 0,74%.
Tạm tính tại mức giá đóng của phiên giao dịch ngày 13/9 của HDB là 38.600 đồng/cp thì lượng cổ phiếu của Petrolimex có tổng giá trị là 2.876 tỷ đồng và ông Lê Minh Quốc là 335,8 tỷ đồng.
Như vậy, việc sáp nhập đã mang lại cho Petrolimex và ông Quốc một khoản lợi nhuận “kếch xù”. Nếu tính theo giá mua vào theo mệnh giá (10.000 đồng/cp), Petrolimex tạm lãi 1.676 tỷ đồng, ông Quốc gần 200 tỷ đồng.
Tại văn bản chấp thuận, NHNN yêu cầu PGBank và HDBank cần có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin và thực hiện các trách nhiệm của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập. Trong thời hạn 2 tháng từ ngày ký văn bản, HDBank cần gửi NHNN bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập.
HDBank là ngân hàng nổi lên một cách ấn tượng trong khoảng 5 năm trở lại đây, sau thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á (DaiABank) và mua lại 100% vốn công ty tài chính SGVF của Pháp vào năm 2013. Sau khi sáp nhập, HDBank đã lọt vào nhóm 10 ngân hàng cổ phần có quy mô lớn nhất.
Nếu so với năm 2012 thì nay HDBank đã có tổng tài sản tăng gấp hơn 3 lần, vốn chủ sở hữu cũng tăng xấp xỉ 3 lần; Quy mô huy động vốn từ tổ chức và cá nhân tăng hơn 4 lần so với hồi năm 2012 trong khi dư nợ cho vay tăng 5 lần, lợi nhuận bình quân 5 năm qua cao gấp đôi giai đoạn trước đó.
>> Tưng bừng khai trương, HDBank tặng thêm lãi suất 0,7%/năm