Tại đầu cầu Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn. Theo nhận định, dù đã qua hơn 4 năm Luật HTX 2012 đi vào cuộc sống, song phát triển HTX vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Loay loay hoạt động
Luật HTX 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 với sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức, được kỳ vọng mang lại làn gió mới cho khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là ở nông thôn. Theo số liệu báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến 31/12/2016, cả nước có 19.569 HTX (tăng 3,07% so với năm 2013), thu hút trên 6,2 triệu thành viên tham gia. Về chuyển đổi theo Luật HTX 2012, đến hết năm 2016 có 83,9% tổng số HTX thuộc diện phải chuyển đổi theo quy định của pháp luật đã tiến hành chuyển đổi và đăng ký lại. Thông qua HTX, đời sống của thành viên và lao động được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện chuyển đổi từ HTX cũ sang hoạt động theo Luật HTX 2012 còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển HTX. Hơn nữa, bản thân các HTX cũng chưa nhận thấy hiệu quả, lợi ích của việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và còn lúng túng khi thay đổi căn bản về quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối…
Tại cấp địa phương, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, quy mô, năng lực hoạt động của các HTX nhìn chung còn rất nhỏ và yếu. Tại Hà Nội, theo báo cáo của UBND TP, tính đến tháng 11/2017, trên địa bàn TP đã có 1.452 HTX đã thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012, chiếm 95%. Số lượng HTX tuy nhiều nhưng mô hình, phương thức hoạt động chậm đổi mới. Đáng nói, liên kết, hợp tác giữa HTX còn yếu, chưa phát huy được hiệu quả. Đa số các HTX, nhất là HTX nông nghiệp vẫn tổ chức theo mô hình cũ.
Cần trợ lực mạnh mẽ
Đánh giá của các địa phương tại hội nghị cho thấy, nguyên nhân khiến cho HTX sau chuyển đổi vẫn trong tình trạng “bình mới rượu cũ” một phần do cơ chế chính sách. Sau hơn 4 năm triển khai, các quy định tại Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn còn bất cập, tính khả thi chưa cao, khó triển khai. Thủ tục đăng ký HTX được cho là phức tạp hơn so với DN. Hơn nữa, một số chính sách hỗ trợ được ban hành nhưng chưa đồng bộ…
HTX được xác định là hạt nhân quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện nay. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, vị trí của nông nghiệp là không thể thay thế được trong nền kinh tế. Do đó, thời gian tới phải đẩy mạnh phát triển HTX, trong đó Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, tạo động lực cho HTX như vốn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xuất khẩu… “Chúng ta cần phải có cơ chế tạo liên kết giữa DN với nông dân cùng phát triển HTX” – ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HTX. “Hiệu quả của kinh tế HTX, không chỉ là đơn thuần là vốn liếng, tài sản, thu nhập mà là giá trị gia tăng mang lại” – Phó Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị các địa phương tích cực xây dựng các HTX kiểu mới, xóa bỏ tình trạng chạy theo phong trào. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho HTX phát triển.
Theo Kinhtedothi