Sau kiểm toán, BOT quốc lộ 19 giảm 8 năm thu phí?

Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến dự án quốc lộ 19.
Sau kiểm toán, BOT quốc lộ 19 giảm 8 năm thu phí?

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết luận kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 tỉnh Gia Lai - Bình Định. Dự án này do Tổng Công ty 36 làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao), doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH BOT 36.71.

Giảm trừ chi phí hàng ngàn tỉ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án BOT quốc lộ 19 được sửa chữa hư hỏng cục bộ, sau đó thảm bê tông nhựa. Dựa vào môđun đàn hồi, tư vấn thiết kế đã tính toán khả năng thông hành xe qua tỉnh Bình Định vẫn đảm nhận được đến năm 2020 và qua Gia Lai là năm 2025.

Tuy vậy, công tác lập, thẩm tra, phê duyệt tổng mức đầu tư còn sai sót trong tính toán khối lượng, áp dụng đơn giá làm tăng giá trị tổng mức đầu tư trên 13,1 tỉ đồng. “Hồ sơ dự án đầu tư không đánh giá hiệu quả về xã hội là không phù hợp với nghị định của Chính phủ” - Kiểm toán Nhà nước kết luận.

Không chỉ vậy, công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán tại một số hạng mục còn sai sót làm đội giá trị dự toán 7,2 tỉ đồng. Các sai sót này làm tăng giá trị trúng thầu của các gói thầu trên 1,5 tỉ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước , trách nhiệm sai sót này thuộc về Tổng Công ty 36, Công ty TNHH BOT 36.71, các đơn vị tư vấn lập dự toán, tư vấn thẩm tra…

Đối với việc lựa chọn nhà thầu, do không đánh giá đúng năng lực khiến quá trình thi công chậm tiến độ. Đồng thời, Công ty TNHH BOT 36.71 ký hợp đồng thi công các gói thầu do nhà thầu thuộc nhà đầu tư thực hiện khi chưa có sự chấp thuận của Bộ GTVT.

Đáng chú ý, tại thời điểm 31-3-2016, tổng nguồn vốn đầu tư dự án trên 1.116 tỉ đồng, giảm khá nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 2.000 tỉ đồng. Sau khi Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, thời gian thu phí hoàn vốn chỉ còn lại 10 năm chín tháng 26 ngày (trước là 18 năm bốn tháng 23 ngày, giảm so với phương án tài chính ban đầu hơn bảy năm sáu tháng).

Với những sai sót trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Công ty TNHH 36.71 khẩn trương thực hiện tính toán và phạt Công ty TNHH Hoàng Nhi về việc thi công chậm gói thầu và ghi giảm giá trị đầu tư xây dựng công trình. Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tập thể , cá nhân có liên quan đến các tồn tại như lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán sai.

Kiểm toán đúng nhưng…

Liên quan đến kết quả kiểm toán, đại diện Tổng Công ty 36 cho biết khi Bộ GTVT kêu gọi đầu tư dự án quốc lộ 19 nhưng gần như không có nhà đầu tư. Lý do: Dự báo lưu lượng xe thấp dẫn đến thời gian hoàn vốn lâu, không giống các tuyến quốc lộ “màu mỡ” khác. “Nhưng với vai trò quan trọng trong liên kết vùng cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, chúng tôi quyết định đầu tư” - đại diện Tổng Công ty 36 giải thích.

Lý giải về sự chênh lệch tổng mức đầu tư, đại diện Tổng Công ty 36 khẳng định Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đến thời điểm 31-3-2016. Tại thời điểm này, chi phí đầu tư được kiểm toán xác nhận trên 1.000 tỉ đồng.

Nhưng thời điểm trên dự án chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục đang thi công thêm chín tháng nữa nên đây không được xem là tổng mức đầu tư của dự án (2.045 tỉ đồng).

“Vì vậy, không có chuyện tổng mức đầu tư bị giảm đến gần 1.000 tỉ đồng” - đại diện Tổng Công ty 36 khẳng định.

Tương tự, thời gian thu phí của dự án, theo Kiểm toán Nhà nước, giảm bảy năm sáu tháng là chưa tính trên tổng mức đầu tư của dự án mà chỉ tính đến thời gian kiểm toán (trên 1.000 tỉ đồng). Vì vậy thời gian này chưa chính xác được.

“Tuy nhiên, thời gian thu phí cũng chỉ là con số tạm tính, thời gian thu phí sẽ được tính toán, xác định chính xác khi quyết toán vốn đầu tư với Bộ GTVT. Có điều đến thời điểm này chúng tôi đã họp nhiều lần với Bộ GTVT để quyết toán nhưng vẫn còn vướng các thủ tục về cơ chế pháp lý” - đại diện Tổng Công ty 36 giải thích.

Về kết luận ghi sai đơn giá, Tổng Công ty 36 khẳng định do việc điều chỉnh lại hàm lượng bê tông nhựa theo thực tế thi công. “Hàm lượng nhựa này được tính toán trên cơ sở thí nghiệm thực tế để bảo đảm độ vững chắc của công trình nên đơn vị đã chủ động điều chỉnh lại hàm lượng nhựa và được Bộ GTVT đồng ý chứ không phải do dự toán sai hay ghi sai đơn giá thi công” - đại diện Tổng Công ty 36 phân trần.

Quyết không giảm phí

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 có tổng chiều dài hơn 55,7 km, được xây dựng với quy mô đường cấp 3 đồng bằng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Định dài hơn 33 km; đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai dài hơn 22,6 km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 2.000 tỉ đồng với thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án dự kiến gần 19 năm.

Trạm thu phí quốc lộ 19 đoạn Bình Định-Gia Lai chính thức thu phí từ ngày 1-6-2016 tại hai trạm thu phí ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định) và ở Km 124+772 (Gia Lai).

Tuy nhiên, sau khi đi vào khai thác, người dân đã phản ứng về vị trí đặt trạm cũng như mức phí. Sau đó Công ty TNHH BOT 36.71 phải trực tiếp đối thoại với người dân về mức thu phí trên.

Liên quan vấn đề này, Tổng Công ty 36 cho biết quốc lộ 19 lưu lượng xe qua lại ít, chỉ vào mùa nông sản mới đông. Vì vậy, dự án này không thể giảm phí cho tất cả phương tiện qua trạm và không chấp nhận việc này. "Chúng tôi đang đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam sắp tới triển khai thu phí không dừng nhằm minh bạch thu phí để người dân chia sẻ" - đại diện Tổng công ty 36 nói.

Thực hiện nghiêm kết luận kiểm toán

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị: Tổng Công ty 36 cần chỉ đạo doanh nghiệp dự án khẩn trương hoàn thành việc lập quyết toán giá trị vốn đầu tư công trình dự án; thẩm tra và phê duyệt quyết toán kịp thời hạn quy định tại hợp đồng BOT làm cơ sở quyết toán hợp đồng BOT. Bên cạnh đó chỉ đạo Công ty TNHH 36.71 thực hiện nghiêm kết luận của kiểm toán.

"Đối với Ban quản lý dự án 5, đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các thành viên có liên quan để xảy ra sai sót; công tác lập, trình phê duyệt dự án khi thiếu nội dung đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án, sai sót trong công tác lập, trình duyệt tổng mức đầu tư" - Kiểm toán Nhà nước đề nghị.

Theo Viết Long/Pháp luật TPHCM

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…