Theo đó, OCB có kế hoạch niêm yết 750 triệu cổ phiếu tại HoSE vào cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018.
Hiện vẫn chưa tiết lộ giá khởi điểm, nhưng OCB kỳ vọng vốn hóa ngân thị trường sẽ đạt 1 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2018.
Trước khi lên sàn, OCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 50%, lên 7.500 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến phát hành cổ phần riêng lẻ trị giá khoảng 800 tỷ đồng (35 triệu USD) cho nhà đầu tư trong quý III, sau khi phát hành 14,2% cổ phiếu chi trả cổ tức và 20,5% cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết OCB cũng có kế hoạch dành nhiều nhất 25% vốn cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết.
OCB đang lên kế hoạch giới thiệu cơ hội đầu tư tại Singapore, Hong Kong và London vào tháng 6, tháng 7 tới đây. Ngân hàng cũng đang nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại từ cả châu Á, Úc và châu Âu.
Như vậy, nếu đúng kế hoạch, OCB sẽ là ngân hàng thứ 4 niêm yết trên sàn trong năm nay, sau HDBank, TPBank và Techcombank (dự kiến lên sàn HOSE vào tháng 6).
Trong đó, TPBank cũng có mục tiêu tương tự như OCB là đạt được giá trị vốn hóa ít nhất 1 tỷ USD trong quý IV. Một tháng sau niêm yết, vốn hóa của TPBank đứng ở mức 715,9 triệu USD.
Trong năm 2018, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017; tổng tài sản tăng 37% lên 116.000 tỷ đồng. OCB cũng đưa ra chỉ tiêu hạn chế các khoản nợ xấu dưới 2%, thấp hơn 1% so với mục tiêu chung của ngành ngân hàng.