Sau phán quyết của CJEU: Việt Nam ứng xử với Uber, Grab thế nào?

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Uber hay Grab định hình thương hiệu của sản phẩm dịch vụ, không phải là nhà vận tải.
Sau phán quyết của CJEU: Việt Nam ứng xử với Uber, Grab thế nào?

Tòa án Công lý Hội đồng châu Âu (CJEU) vừa ra phán quyết Uber cần được phân loại là một dịch vụ vận tải và chịu sự điều tiết như các hãng taxi khác. Tại Việt Nam, Bộ GTVT vừa tổng kết 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Trong đó, Bộ GTVT xác định, thời gian tới sẽ nghiên cứu đưa điều kiện kinh doanh của Uber, Grab “gần” hơn với taxi truyền thống. Các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư đã chia sẻ ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:

Nên tham khảo phán quyết của Tòa án châu Âu

Nhiều ý kiến cho rằng, bản chất của phần mềm kết nối, tiêu biểu là Uber, Grab gần với taxi. Tuy nhiên, tôi cho rằng ứng dụng Uber, Grab đóng vai trò là nhà phân phối dịch vụ vận tải. Đối với sản xuất hàng hóa thông thường, việc này diễn ra khá lâu, nhưng trong vận tải, đây là một ví dụ điển hình mà chúng ta hay gọi là sàn giao dịch vận tải, chợ vận tải trên mạng. Theo tôi, Uber hay Grab định hình thương hiệu của sản phẩm dịch vụ, không phải là nhà vận tải. Họ đưa ra luật chơi, nếu doanh nghiệp muốn vào bán hàng qua họ, thương hiệu phải được đặt tên là Uber hay Grab.

Trước phán quyết của Tòa án châu Âu xem Uber là đơn vị kinh doanh vận tải, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng xem phán quyết đó dựa trên bản chất của hoạt động Uber hay phán quyết đó dựa trên ý kiến số đông. Nếu dựa trên ý kiến số đông mà số đông này ủng hộ taxi truyền thống, phán quyết đó có tính chất định tính. Còn nếu phán quyết đó dựa trên phân tích bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải, thì Uber là bản chất kỹ thuật của hoạt động sản xuất.

Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật GTĐB. Phán quyết của Tòa án châu Âu là cơ sở tham khảo rất tốt để không chỉ giải quyết vấn đề Uber hay Grab với taxi truyền thống, mà giải quyết cả đối với cả vận tải đường dài như xe hợp đồng Limousine đang nở rộ hiện nay. Chúng ta có thể có một công cụ quản lý như Uber, Grab khi có đầy đủ khái niệm về bản chất kỹ thuật của ứng dụng này, đồng thời có thể đưa vào Luật GTĐB và các luật khác để tạo hành lang pháp lý liên quan đến công nghệ thông tin, tài chính, thuế.

Tại Việt Nam cũng có thể cần có phiên tòa tương tự vì nó thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong quá trình thực hành pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Khi không tự hòa giải được, mọi tranh chấp trong xã hội được giải quyết ở tòa án là chuyện hết sức văn minh, chúng ta cũng nên đồng thuận với cách tiếp cận này để giải quyết mâu thuẫn.

Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện nghiên cứu chính sách pháp luật & phát triển:

Quản lý nhà nước phải theo được cái mới, cởi trói cái cũ 

Chúng ta có thể tham chiếu kết quả phiên tòa của Tòa án Công lý châu Âu khi tòa án đó phán quyết Uber là một loại hình taxi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với hệ thống tư pháp và các quy định pháp luật khác, để có một phiên toà như thế còn liên quan nhiều yếu tố, ai sẽ là người khởi kiện, cơ quan quản lý nhà nước hay các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống? Theo thông tin tôi nắm được, chưa có biểu hiện nào của Uber hay Grab cho thấy các loại hình này không tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Còn nếu coi Uber là một loại hình taxi, việc quản lý cũng không có gì thay đổi nhiều. Nhưng chúng ta cần chú ý rằng, nên hướng đến những cái tiến bộ, những cái mới chứ đừng lấy những cái cũ, bảo thủ để áp cho cái mới đang tiến bộ. Tức là nếu coi Uber như taxi, thay vì áp nó vào những quy định cũ giống như các loại hình taxi truyền thống, tại sao ta không cởi trói các quy định đối với taxi truyền thống, để loại hình này có cơ hội phát triển như Uber và Grab đang có. Cơ quan quản lý nhà nước phải theo được cái mới, cởi trói cái cũ mới tạo ra được sự phát triển.

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc:

Không nên bắt buộc Uber phải là một đơn vị kinh doanh vận tải

Tôi hoàn toàn không bất ngờ về phán quyết của tòa án châu Âu liên quan đến Uber. Phán quyết nêu rõ: Một dịch vụ cung cấp bởi Uber kết nối giữa các cá nhân với những lái xe không chuyên phải được bao hàm trong các dịch vụ trong lĩnh vực vận tải.

Uber cung cấp dịch vụ cho các lái xe không chuyên nên phải tuân thủ dịch vụ kinh doanh vận tải. Nếu không tuân thủ sẽ không được cung cấp dịch vụ đó lên các lái xe không chuyên. Điều này hoàn toàn tương đồng với các quy định với Uber hiện nay ở VN.

Ngay từ năm 2014, sau khi khảo sát đánh giá và biết được những tính năng của Uber, đồng thời nắm được việc Uber kết nối với những lái xe không chuyên ở VN, Bộ GTVT đã trao đổi với Uber và yêu cầu DN này không được đưa phần mềm lên các lái xe không chuyên và buộc phải kết nối đưa các dịch vụ đó lên các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải có giấy phép.

Hay nói cách khác, các lái xe Uber đều phải là lái xe chuyên nghiệp, là thành viên thuộc hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được Sở GTVT cấp phép. Ngay tại Đề án thí điểm theo Quyết định 24, Bộ GTVT quy định rõ các đơn vị cung cấp phần mềm chỉ được cung cấp dịch vụ đó cho các DN, HTX có chức năng kinh doanh vận tải, lái xe có bằng cấp phù hợp, xe phải đăng ký, đăng kiểm, gắn phù hiệu.

Qua 2 năm thí điểm, nhiều điểm cộng có thể dễ dàng nhận thấy từ việc xuất hiện loại hình dịch vụ này như tạo sự thuận lợi cho người dân, tăng sự cạnh tranh dẫn đến giảm giá thành, giảm chạy rỗng trên đường góp phần đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc giao thông thông qua việc giảm lưu lượng xe trên đường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập do pháp luật chưa điều chỉnh kịp như một số nơi cấm taxi vào một số tuyến phố nhưng lại không cấm xe hợp đồng điện tử. Cùng đó, là những băn khoăn về vấn đề bình đẳng thuế.

Câu hỏi đặt ra là tại Việt Nam, Uber có phải là một DN kinh doanh vận tải không? Tôi cho rằng Uber không nên là một đơn vị kinh doanh vận tải, hay nói cách khác không nên bắt buộc họ là một đơn vị kinh doanh vận tải. Theo quy định của Luật GTĐB, vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người và hàng hóa. Như vậy, muốn vận tải đường bộ phải có xe và lái xe theo tiêu chuẩn. Uber chỉ có phần mềm. Phần mềm này không thể dịch chuyển một người từ điểm A đến điểm B. Nếu coi Uber là đơn vị kinh doanh vận tải thì không đúng với bản chất của họ.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:

Uber, Grab phải có điều kiện kinh doanh tương tự taxi

Đây là các phương tiện có sức chứa và hình thức hoạt động giống taxi tại các đô thị và trực tiếp cạnh tranh, tác động lớn đến hoạt động của các đơn vị taxi truyền thống hiện nay. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ VN đã đề nghị ghép chung nhóm các phương tiện này vào loại hình taxi có điều kiện kinh doanh gần tương tự như taxi và bổ sung điều chỉnh một số nội dung quản lý để phù hợp với một số đặc điểm riêng biệt của loại hình này, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước và đảm bảo công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh với loại hình taxi truyền thống.

Theo Báo Giao thông

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...