Tính đến 31/03/2020, tổng tài sản SCB đạt 580.204 tỷ đồng, tăng 13.397 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thời điểm đầu năm 2020, tiếp tục nằm trong Top 5 Ngân hàng TMCP có quy mô hàng đầu cả nước.
Các hoạt động kinh doanh chính của SCB như huy động, cho vay, thu ngoài lãi tiếp tục duy trì kết quả ổn định. Thu nhập lãi thuần SCB trong Quý I/2020 đạt 1.130 tỷ đồng, hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó các khoản thu nhập lãi thuần và các khoản tương đương tăng 24% so với cùng kỳ. Quý I/2020, SCB cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 22,2 tỷ đồng, sau khi trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 653,726 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB trong Quý 1/2020 đã bị ảnh hưởng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Lý do chính là SCB đã triển khai các chương trình ưu đãi, hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như giảm phí phát hành L/C, miễn phí Internet Banking, Mobile Banking, giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng, chuyển tiền nhanh 24/7, giảm lãi cho khách hàng…
SCB cũng đồng thời triển khai nhiều chương trình kích cầu dịch vụ thanh toán trực tuyến. Đây cũng là ngân hàng tiên phong triển khai gửi sổ tiết kiệm trực tuyến có tích hợp mã QR qua email và SMS cho các khách hàng sử dụng sản phẩm “Tiền gửi tiết kiệm Online”.
So với cùng kỳ 2019, số lượng thẻ tín dụng SCB phát hành mới trong Quý 1/2020 tăng 23%, số lượng thẻ thanh toán phát hành mới tăng 28%. Kết thúc Quý 1/2020, SCB cũng ghi nhận tăng trưởng trên 45% về số lượng user mới và 119,36% về số lượng giao dịch qua Internet Banking và Mobile Banking.
Hiện nay, SCB là một trong những ngân hàng đi đầu về công nghệ bảo mật đối với các sản phẩm thẻ khi 03 năm liên tiếp đạt chứng chỉ PCI-DSS phiên bản mới nhất do Tổ chức Control Case cấp chứng nhận.
SCB vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án cơ cấu lại Ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2020, SCB sẽ tập trung nguồn lực để cơ cấu lại hoạt động tín dụng và nâng cao năng lực tài chính. Đây được xem là phương án tái cơ cấu chủ động hỗ trợ thêm một số cơ chế mới và giải pháp tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính giúp SCB vững chắc hơn sau quá trình tái cơ cấu trước đó.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, trong năm 2019, SCB đã chủ động trích lập dự phòng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 2.373 tỷ đồng. Việc ưu tiên trích lập dự phòng này nhằm giúp SCB đảm bảo nền tảng tài chính chắc chắn trong giai đoạn tái cơ cấu.
Cũng theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2019, các chỉ tiêu quan trọng của SCB tăng trưởng tốt. So với năm 2018, năm 2019 dư nợ cho vay của SCB đạt 333.879 tỷ đồng, tăng 10,06%; tiền gửi khách hàng đạt 438.833 tỷ đồng, tăng 13,9%; phát hành giấy tờ có giá đạt 49.874 tỷ đồng, tăng 49%. Tính đến cuối năm 2019, tổng số dư huy động thị trường một của SCB lên đến 488.707 tỷ đồng.
Nhiều mảng kinh doanh của SCB ghi nhận tăng trưởng cao trong năm qua như thu nhập lãi thuần đạt 3.942 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.227 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 440 tỷ đồng...