Theo đó, tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần này, Hội đồng quản trị SCB sẽ trình phương án tăng vốn bằng hình thức chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương giá trị 5.000 tỷ đồng theo mệnh giá. Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SCB sẽ tăng từ 15.232 tỷ đồng lên mức 20.232 tỷ đồng. Tổng số tiền 5.000 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành này được SCB dự kiến trích 4.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh và 500 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định và hiện đại hóa công nghệ thông tin, còn lại 500 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB.
Theo SCB, 4.000 tỷ đồng bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh được chú trọng vào phát triển tín dụng, đặc biệt là tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tín dụng bán lẻ. Đặc biệt, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh đầu tư trái phiếu chính phủ để bổ sung tài sản thanh khoản nhằm củng cố và nâng cao tỷ lệ dự trữ thanh khoản.
Ngoài ra, HĐQT SCB cũng sẽ trình ĐHĐCĐ chấp thuận việc đăng ký cổ phiếu SCB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch cổ phiếu SCB trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (hệ thống giao dịch UPCoM) với mã chứng khoán là SCB.
Về kế hoạch kinh doanh 2020, SCB đặt mục tiêu tổng tài sản SCB đạt 637.166 tỷ đồng, tăng 12,19% so với cuối năm 2019. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 377.283 tỷ đồng, tăng 13%; huy động thị trường 1 là 553.092 tỷ đồng, tăng 13,3%. Thu phí dịch vụ dự kiến đặt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 41,2%.
Tuy nhiên, SCB bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận trong tài liệu đại hội. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tập trung nguồn lực thu hồi nợ xấu, nợ đã bán VAMC, tạo thu nhập và giảm thiểu một phần chi phí trích lập dự phòng trái phiếu VAMC.
Bên cạnh đó, SCB cũng có tờ trình miễn nhiệm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kì 2017-2022. Vì lý do cá nhân, bà Mai Thị Thanh Thúy có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT và ông Nguyễn Mạnh Hải có đơn từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát.