Trong thông báo mới nhất của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), nhà băng này sẽ chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Phước Hải - chi nhánh Khánh Hòa (Khánh Hòa) và Phòng giao dịch Gia Phú - Chi nhánh Bình Tây (TP.HCM) từ ngày 11/1. Ngoài ra, SCB thông báo chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Bà Rịa - Chi nhánh Vũng Tàu từ ngày 9/1.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), từ tháng 6/2023 đến 9/2024, SCB đã giải thể hoạt động 120 phòng giao dịch tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 64 phòng giao dịch, tại các tỉnh thành khác là 56 phòng giao dịch.
Gần đây nhất, vào ngày 1/11, SCB thông báo đóng cửa 9 phòng giao dịch tại các tỉnh thành khác nhau, đơn cử phòng giao dịch Âu Lạc - Chi nhánh Thống Nhất, phòng giao dịch Nguyễn Kiệm - Chi nhánh Gia Định, phòng giao dịch Ngô Quyền - Chi nhánh Chợ Lớn, phòng giao dịch Tạ Uyên - Chi nhánh Bình Tây,...
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, SCB đã chấm dứt hoạt động hơn 130 phòng giao dịch trên cả nước. Trong đó, có thời điểm SCB đóng cửa tới 16 phòng giao dịch chỉ trong một tháng.
Tuy nhiên, SCB khẳng định việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của ngân hàng.
Cùng với việc liên tục chấm dứt các điểm giao dịch, ngân hàng này gần đây cũng liên tục điều chỉnh hạn mức chuyển tiền nhanh 247 qua hệ thống Napas. Tại lần thay đổi gần đây nhất vào ngày 18/11, SCB đã giảm hạn mức chuyển tiền nhanh trong ngày từ 50 triệu đồng/lần/ngày/khách hàng xuống còn 10 triệu đồng/lần/ngày/khách hàng.
Đồng thời, ngân hàng SCB tạm dừng triển khai dịch vụ Internet Banking (qua trình duyệt web) dành cho khách hàng cá nhân kể từ ngày 12/12/2024.
Theo đó, ngân hàng khuyến nghị khách hàng sử dụng dịch vụ SCB Mobile Banking (qua ứng dụng điện thoại, máy tính bảng) để tiếp tục thực hiện các giao dịch online. Lưu ý, khách hàng cần sử dụng giấy tờ tùy thân là căn cước công dân có gắn chíp để đăng ký và sử dụng dịch vụ này.
Trước đó, ngân hàng SCB cũng phát đi thông báo tạm ngừng xếp hạng Hội viên SCB Premier mới từ ngày 10/11; tạm ngừng áp dụng chính sách ưu đãi đặc quyền cho Hội viên SCB Premier từ ngày 10/12 tới đây. Việc thu phí sử dụng sản phẩm/dịch vụ của khách hàng từ tháng 12/2024 được áp dụng theo chính sách hiện hành của SCB.
SCB là cái tên thứ năm được thêm vào danh sách các ngân hàng yếu kém, sau Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank). Trong tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chuyển giao CBBank và OceanBank về ngân hàng Vietcombank và ngân hàng MB.
Trong Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện phương án xử lý đối với ngân hàng SCB trong tháng 12/2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện Chính phủ đang tích cực xử lý ngân hàng SCB với tinh thần là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân liên quan tới các ngân hàng này, không để thất thoát tài sản, có lộ trình phù hợp.
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương sáng ngày 8/1/2025, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết SCB là một ngân hàng có quy mô khá lớn.
Đối với nhà băng này, Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.