Sẽ có công cụ đủ mạnh xử lý chuyển giá

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý thuế sẽ có công cụ đủ mạnh để xử lý doa
Sẽ có công cụ đủ mạnh xử lý chuyển giá

Bà có nghĩ rằng, công tác chống chuyển giá đã đạt được hiệu quả nhất định?

Công tác chống chuyển giá bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, ngăn chặn được hành vi gian lận thuế thông qua giá chuyển nhượng giữa các bên có giao dịch liên kết. 

Cụ thể, năm 2016, cơ quan thuế thanh tra 329 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, truy thu 607,52 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162 tỷ đồng; năm 2017 thanh tra 734 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt 2.270 tỷ đồng, giảm lỗ 7.146 tỷ đồng. Năm 2018, với việc thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hiệu quả chống chuyển giá sẽ cao hơn.

Có nghĩa là văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá đã phù hợp?

Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã bám rất sát các khuyến nghị Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế(OECD). Tuy nhiên, nhiều chuẩn mực, thông lệ quốc tế áp dụng vào Việt Nam không phải lúc nào cũng phù hợp, mà còn phát sinh nhiều khó khăn.

Về thuận lợi, Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã cho phép cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp qua việc điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế. 

“Bản chất quyết định hình thức” trong giao dịch liên kết theo khuyến cáo của OECD đã được áp dụng sẽ góp phần chống chuyển giá hiệu quả hơn. Bởi đây là nguyên tắc nhằm phân tích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để xác định bản chất của giao dịch liên kết làm cơ sở đối chiếu với các giao dịch độc lập tương đương, đảm bảo giao dịch liên kết thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính được tiến hành giữa các bên không có quan hệ liên kết, không để các quan hệ liên kết chi phối làm sai lệch nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Việc xác định bản chất quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại của giao dịch liên kết được thực hiện dựa trên so sánh, đối chiếu với các giao dịch độc lập có điều kiện tương đồng là công cụ rất hữu hiệu trong việc chống chuyển giá đang được OECD áp dụng.

Nhưng đó đều là thuận lợi cho cơ quan thuế, còn doanh nghiệp có lợi gì, thưa bà?

Trước đây, Thông tư 66/2010/TT-BTC quy định, một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia; cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; cả hai doanh nghiệp đều nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của một bên thứ ba đều được coi là có quan hệ liên kết và sẽ bị điều chỉnh bởi các quy định về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên, nhưng kể từ ngày 1/5/2017, tỷ lệ này đã được nâng lên 25%. 

Hay quy định, doanh nghiệp được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm rất nhiều thời gian, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp.

Thế còn khó khăn thì sao?

Theo quy định, trường hợp người nộp thuế là công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ 18.000 tỷ đồng trở lên có trách nhiệm lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia tại hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, người nộp thuế phải cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin. Với thời gian 15 ngày, doanh nghiệp rất khó khăn hoàn thành báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.

Hay như quy định, tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao chưa rõ ràng. Có cục thuế khống chế tỷ lệ không quá 20% với tất cả các khoản vay của doanh nghiệp, nhưng có cục thuế chỉ khống chế chi phí lãi vay không quá 20% đối với khoản vay của doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Những bất cập, vướng mắc trên có thể được xử lý đơn giản bằng hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thưa bà, vấn đề là, để chống chuyển giá hiệu quả, cần phải luật hóa hoạt động này?

Tôi cho rằng, nhiều nội dung liên quan đến chống chuyển giá trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. 

Đặc biệt, Dự thảo đã trao cho cơ quan thuế thẩm quyền kiểm tra thuế, thanh tra tính tuân thủ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết trên nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức nhằm chống chuyển lợi nhuận, chống chuyển giá, ngăn ngừa tránh thuế, trốn thuế. Cơ quan thuế sẽ ấn định thuế trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh; doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai và cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế. 

Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt 20% trên số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn trong trường hợp đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết theo đúng quy định về xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết, nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận số liệu thanh tra, kiểm tra khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.

Tôi cho rằng, công cụ chống chuyển giá đã đủ mạnh để cơ quan thuế xử lý doanh nghiệp cố tình trốn thuế qua hình thức chuyển giá.

baodautu.vn/se-co-cong-cu-du-manh-xu-ly-chuyen-giahttps://baodautu.vn/se-co-cong-cu-du-manh-xu-ly-chuyen-gia-d87563.html

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...