Sếp ngân hàng trước lựa chọn cân não: Tuy hai mà không một!

"Ngay trong đầu họ, cân nhắc về quyết định có ảnh hưởng đến ngân hàng hoặc doanh nghiệp chắc chắn sẽ hằn sâu hơn. Luật mới đã động đến cả những chi tiết nhỏ như vậy"...
Sếp ngân hàng trước lựa chọn cân não: Tuy hai mà không một!

Đó là một chi tiết có khả năng tác động sâu sắc, trong những nội dung lớn và có ảnh hưởng rộng khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng đi vào thực tiễn, sau khi Quốc hội thông qua ngày 20/11 vừa qua.

Lựa chọn cân não

Với giới tài chính, ngân hàng Việt Nam, bà Lê Thị Băng Tâm quen thuộc ở vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính nhiều năm trước. Sau nghỉ hưu, bà Tâm được biết đến ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank, đồng thời là Chủ tịch Vinamilk.

Theo quy định mới của bộ luật vừa được Quốc hội thông qua nói trên, một người không được là chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng đồng thời là lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp khác.

Bà Lê Thị Băng Tâm sẽ phải lựa chọn và quyết định vị trí hiện nay tại HDBank và Vinamilk. Đây đều là hai vị trí quan trọng, một nhân tố thành công của cả hai doanh nghiệp này thời gian qua. Lựa chọn và thay đổi có thể là điều không mong muốn ở cả hai.

Tương tự, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank hiện đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn DOJI. Từ nhiệm tại TPBank hẳn là quyết định khó khăn đối với ông Phú, sau quá trình đầu tư và tái cơ cấu, đưa TPBank từ một ngân hàng lỗ nặng trở lại cân bằng và có triển vọng phát triển. 

Ngược lại, lựa chọn từ nhiệm tại DOJI, nơi ông Phú là linh hồn, hình ảnh của tập đoàn này kể từ khi thành lập đến nay, cũng là lựa chọn không dễ dàng.

Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam hiện đều có chủ tịch hoặc tổng giám đốc đồng thời nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cấp ở doanh nghiệp khác.

Chiếu theo quy định mới của luật, có hiệu lực từ 15/1/2018, một loạt lãnh đạo ngân hàng thương mại đang đứng trước lựa chọn cân não như vậy.

Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam hiện đều có chủ tịch hoặc tổng giám đốc đồng thời nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cấp ở doanh nghiệp khác như SHB, Sacombank, HDBank, TPBank, VIB, Techcombank, VIB, SeABank, ABBank, Kienlong Bank, VietABank, BacABank, NCB…

Như trên, tại nhiều ngân hàng, cá nhân chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc đã trở thành thủ lĩnh, linh hồn và hình ảnh cả đối nội và đối ngoại; hoặc là những ông chủ, bà chủ khẳng định quyền lực hàng chục năm qua. Theo đó, nếu lựa chọn từ nhiệm mở rộng, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tới đây sẽ có thay đổi lớn.

Tuy nhiên, với những thông tin bước đầu, lựa chọn có chiều hướng nghiêng về từ nhiệm ở các doanh nghiệp. Cùng đó, không loại trừ giới chủ ngân hàng có giải pháp khác.

Tuy hai mà không một

Trao đổi với phóng viên VnEconomy, một thành viên tham gia soạn thảo dự thảo bộ luật nói trên nêu quan điểm: "Bạn cho rằng sẽ có chuyện đóng thế, cử đại diện về hình thức. Cứ cho một phần thực tế có thể vậy đi, nhưng trước hết phải thấy rõ tinh thần của luật. Luật đã thể hiện tinh thần chặt chẽ hơn, mạnh hơn, rõ ràng minh bạch hơn về yêu cầu quản trị, điều hành tổ chức tín dụng, hạn chế những mối liên hệ tiềm ẩn rủi ro".

Trong quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, tập trung ở khối tư nhân, đã có một số ông chủ, bà chủ không lộ diện trực tiếp ở các vị trí lãnh đạo cao cấp. Đến nay, sự hiện diện ngày một mở rộng và rõ ràng hơn.

Với những trường hợp "đóng thế", hoặc thuê người đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên tham gia soạn thảo luật nói trên phân tích: đừng hiểu nhầm đơn giản "tuy hai mà một" ở đây.

"Với ông chủ và cả người làm thay, ngay trong đầu họ, cân nhắc về quyết định có ảnh hưởng đến ngân hàng hoặc doanh nghiệp chắc chắn sẽ hằn sâu hơn. Luật mới đã động đến cả những chi tiết nhỏ như vậy", thành viên trên nói.

Ở quan điểm này, nhìn sang cả doanh nghiệp đối xứng mà giới chủ ngân hàng tới đây tìm người thay vị trí mình, hình dung một cách đơn giản là không dễ để tìm người thân, anh em, họ hàng để ứng phó. Trách nhiệm ở mỗi quyết định, mỗi chữ ký đều gắn chặt với bản thân mỗi người, thậm chí với cả gia đình họ.

Tuy hai nhưng sẽ mà không một. Ở ngân hàng, trong lựa chọn tìm người thay thế, thậm chí "đóng thế", chính người đó sẽ tự tạo ra một rào cản để trước hết tự bảo vệ mình trước rủi ro, khi đưa ra hoặc đi theo một quyết định có ảnh hưởng đến hoạt động. Đây được xem là một bước đệm thẩm định, cảnh giới xen giữa sự can thiệp của ông/bà chủ.

Bước đệm thẩm định, cảnh giới đó cũng có ở phía doanh nghiệp đối xứng, nếu lựa chọn đưa ra là ở lại ngân hàng. Và trong lựa chọn ở lại ngân hàng, ít nhất họ sẽ có thêm chuyên chú hơn nữa cho yêu cầu quản trị, điều hành.

Vừa là lãnh đạo ngân hàng vừa là lãnh đạo doanh nghiệp, trước đây có thể tuy hai mà một, tới đây sẽ là hai. Đó là hai cá nhân có trách nhiệm, ý thức và cảnh giới về mối an nguy bản thân khác nhau, chứ không còn tuy hai mà một nữa.

Tổng thể pháp lý

Trao đổi với VnEconomy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, quy định trên của luật nhằm nâng cao sự minh bạch, an toàn hệ thống, góp phần hạn chế sở hữu chéo và việc thao túng trong hoạt động ngân hàng.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, cần đặt những quy định mới trong tổng thể của khuôn khổ pháp lý, vừa được hoàn thiện.

"Không hẳn anh có tiền là có thể làm lãnh đạo ngân hàng, mà phải có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành này như luật đã quy định", Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Đó là, các tiêu chí để được làm lãnh đạo cao cấp ngân hàng thương mại đã siết lại chặt chẽ hơn, đi cùng với các chế tài xử phạt mạnh hơn đối với những vi phạm. Theo đó, điều kiện tìm kiếm và lựa chọn được ứng viên đảm nhận vị trí chèo lái ngân hàng phù hợp không còn mở rộng như trước.

Thêm nữa, trước đây, giới chủ, nhà đầu tư có tiền có thể tăng sở hữu cổ phần, mở đường trở thành lãnh đạo cao cấp ngân hàng, thì nay quy định mới của luật đã có thêm những ràng buộc mới.

"Không hẳn anh có tiền là có thể làm lãnh đạo ngân hàng, mà phải có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành này như luật đã quy định", Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Ở yếu tố có tiền, quan điểm "tiền tươi", tiền sạch và rõ nguồn gốc mà Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra một năm trước tại hội nghị toàn ngành cũng đã chính thức được đưa vào luật.

Bộ luật Quốc hội vừa thông qua đã quy định rõ: các bên liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại tổ chức tín dụng; không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng; không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật.

Như trên, trong một năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các ban ngành, các cấp để lần lượt hoàn thiện nhiều vấn đề pháp lý, từ vĩ mô đến cụ thể thượng tầng quản lý điều hành của các ngân hàng thương mại.

Sau đề án tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 2016-2020, lần đầu tiên một nghị quyết riêng của Quốc hội về xử lý nợ xấu (Nghị quyết 52) được ban hành, đến lượt Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi, bổ sung với những quy định sát sườn, chặt chẽ và có tác động lớn. 

Khung khổ pháp lý cho an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tiến thêm một bước lớn, chỉ vỏn vẹn sau một năm.

Theo VnEconomy

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...