SGO Green: Doanh nghiệp trong hệ sinh thái SGOGroup nợ bảo hiểm xã hội

Công ty Cổ phần Bất động sản SGO Green chậm đóng 3 tháng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác...

SGO Green là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn SGO

Bảo hiểm xã hội Khu vực 1 vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tại nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ 2 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 6/2025.

Theo đó, Công ty Cổ phần Bất động sản SGO Green có mã số thuế 0110525112 bị bêu tên trong danh sách trên. Cụ thể, SGO Green chậm đóng 3 tháng tiền bảo hiểm, số tiền chậm đóng là 84 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Bất động sản SGO Green được thành lập vào tháng 10/2023. Hiện người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Thành. Ngành nghề kinh doanh chính của SGO Green là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Về Công ty Cổ phần Tập đoàn SGO (SGO Group) doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2018. Ngành nghề kinh doanh chính của SGO Group là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Hiện ông Nguyễn Minh Ngọc là Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật. Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Vũ Kim Giang, một doanh nhân khá nổi tiếng trong ngành bất động sản.

Trên website của doanh nghiệp này, SGO Group giới thiệu mình là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh phát triển, phân phối, cho thuê các sản phẩm bất động sản trong nước, quốc tế; quản lý vận hành, khai thác tòa nhà và tổng hòa các dịch vụ liên quan đến bất động Sản.

SGO Group xây dựng hệ sinh thái bất động sản đồng bộ, khép kín tại Việt Nam từ đầu tư, tư vấn phát triển dự án; phân phối, quản lý, vận hành, khai thác đến cung cấp những giải pháp công nghệ bất động sản, marketing và truyền thông dự án; đào tạo nhân sự chất lượng cao cho chủ đầu tư cũng như các đơn vị bất động sản trên cả nước.

Hệ sinh thái của công ty lên tới hàng chục đơn vị hoạt động theo mô hình holding, tập trung vào 3 trụ cột: bất động sản, xây dựng và du lịch. Từng chia sẻ với báo chí, lãnh đạo SGO Group cho biết, mục tiêu dài hạn của SGO Group là trở thành tập đoàn đa ngành có đóng góp nổi bật cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ở vị trí chủ lực của hệ sinh thái SGO là Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản SGO (SGO Land). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 2/2022, tương tự SGO, người đại diện pháp luật cũng là ông Nguyễn Minh Ngọc và Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Giang.

SGO Land góp mặt trong top 10 công ty dịch vụ bất động sản uy tín năm 2025 do Vietnam Report bình chọn.Năm 2024, SGO Land vẫn nắm giữ giỏ hàng khủng với danh mục gần 30 dự án hợp tác đầu tư, tư vấn phát triển dự án, phát triển kinh doanh, tổng đại lý.

Cụ thể ở các dự án như Majestic City Yên Sơn, SGO Marina Móng Cái, Phú Thị Riverside, Bluegem Tower, The Ninety Complex (90 đường Láng), Vườn Vua Resort & Villas, Central Avenue Quy Nhơn, Lam Sơn Nexus City, SGO La Emera Phú Yên, SGO La Emera Hạ Long...

Đồng thời là đơn vị phân phối của The Sola Park (Vinhomes Smart City), Vinhomes Global Gate, The Matrix One, The Charm An Hưng, Hồ Gươm Plaza, Phương Đông Wonder Island... cùng nhiều dự án khác trên cả nước.

SGO Land đặt mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu thị phần dịch vụ bất động sản tại miền Bắc từ năm 2025 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, công ty củng cố thị phần tại miền Trung và mở rộng vào miền Nam.

Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

Còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm