Tại buổi họp báo công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017, ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại- Dịch vụ- Tổng cục Thống kê cho biết xét về quy mô lao động, tại thời điểm 1/1/2017, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp lớn, tăng 29% so với năm 2012 và chiếm 1,9% tổng doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2012. Doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 75% tổng số doanh nghiệp. Đáng chú ý là tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 6 điểm phần trăm so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm cho thấy quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần có phù hợp với xu thế phát triển kinh tế đất nước, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp- Tổng cục Thống kê cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông lý giải do Việt Nam mới thoát nghèo được vài năm nay, hơn nữa chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, lịch sử phát triển kinh tế rất ngắn do đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ đi lên.
Vì vậy nguồn lực về con người, vốn, trình độ trong phát triển doanh nghiệp còn hạn chế và năng suất thấp hơn so với thế giới. Xu hướng trong tương lai vẫn phù hợp vì chúng ta không thể ngay một lúc có thể sánh ngang với các nước phát triển khác. Dần dần Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp lớn, mang tính chuỗi doanh giá trị toàn cầu. "Tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp này hiện vẫn còn đếm trên đầu ngón tay và đang tăng dần qua các năm".
Xét về cơ cấu doanh nghiệp, ông Thúy cho biết hiện nay xu hướng chung là doanh nghiệp nhà nước đang có xu hướng giảm dần về quy mô cũng như kết quả kinh doanh. Ngược lại, khối doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng dần về quy mô và đóng góp lớn cho tăng trưởng. Cụ thể doanh nghiệp nhà nước giảm từ 1,01% xuống còn 0,53% trong 5 năm qua, lao động giảm 15,3% xuống còn 9,8%, vốn giảm 32,7% xuống còn 27,7%, doanh thu giảm 26,2% còn 16,5%. "Điều này phù hợp với chủ trương chung của Đảng trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước".
Mặc dù số doanh nghiêp liên tục giảm do cổ phần hóa tuy nhiên các doanh nghiệp nhà nước vẫn thu hút nhiều nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Tính đến thời điểm 1/1/2017 khu vực này thu hút 8,4 triệu tỷ đồng, gấp 1,72 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định số liệu thống kê phản ánh đúng quy mô và phát triển của nền kinh tế trong những năm gần đây. Các nền kinh tế càng phát triển, số lượng các doanh nghiệp nhỏ ngày càng nhiều. Nếu xét về số lượng doanh nghiệp đăng ký ở Việt Nam là trên 1 triệu doanh nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt định tính đến đến thời điểm 1/1/2017 chỉ bằng một nửa, trong đó tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng. Nếu so sánh với các nền kinh tế phát triển, thì điều này hoàn toàn bình thường.
"Ở Mỹ có 29 triệu doanh nghiệp thì trong đó có tới 22 triệu doanh nghiệp 1 chủ. Các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tương tự, số lượng doanh nghiệp nhỏ chiếm phần lớn tỷ trọng số lượng doanh nghiệp", ông Cương dẫn chứng.
Theo NDH