Theo Tổng cục thống kê, 8 tháng qua, cả nước có khoảng 87.500 doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 63.235 doanh nghiệp, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 8,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 39,2%).
Bình luận về số lượng doanh nghiệp phá sản, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Vietnam cho hay, không phải họ không dám vượt qua thử thách khó khăn mà họ đang thiếu và yếu nhiều thứ. Cụ thể, khi các doanh nghiệp này khởi nghiệp thường bắt đầu từ giấc mơ, đam mê… nhưng thiếu chuẩn bị về tài chính, công nghệ, pháp lý, kiến thức, hiểu biết về thị trường.
Thực tế cho thấy, trong số doanh nghiệp đi vào hoạt động thì chỉ có khoảng 53% doanh nghiệp làm ăn có lãi, 47% doanh nghiệp còn lại kinh doanh khó khăn, thua lỗ. Trong đó, có 3 yếu tố chính khiến các doanh nghiệp dẫn đến thất bại, không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp mà cả những doanh nghiệp đã tồn tại từ lâu, thậm chí cả doanh nghiệp lớn thường mắc sai lầm.
Thứ nhất, theo TS Khương, cái họ thiếu và yếu đó chính là vốn. Thứ hai là không tạo được chỗ đứng trên thị trường, dẫn đến hàng bị tồn kho, không bán được, đồng nghĩa dòng tiền không thể lưu thông. Thứ ba, đó chính là quản trị con người, không chỉ là nhân viên mà ngay cả đối tác hùn vốn kinh doanh. Ngoài ra, kiến thức về pháp lý cũng là yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh hội nhập 4.0 hiện nay.
Chính vì những điểm yếu này, hơn 70% doanh nghiệp tại Việt Nam hiện là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chính lượng doanh nghiệp này lại đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước.
Theo Báo Công Luận