Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng phi mã bất chấp Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách đấu thầu vàng nhằm tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng và cho phép nhập khẩu vàng mà chỉ dựa trên công cụ đấu thầu vàng như thời gian qua sẽ khó hạ nhiệt được thị trường.
GIÁ VÀNG TIẾN SÁT MỐC 90 TRIỆU ĐỒNG/LƯỢNG
Trong ngày 9/5, giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh lên 89,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng tăng mạnh khiến chênh lệch nới rộng hơn 18 triệu đồng/lượng với giá vàng thế giới.
Theo khảo sát, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tiếp tục điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC lên mức 87 - 89,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Công ty Cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý niêm yết giá vàng SJC 87 - 89,3 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 86,8 - 89,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1,6 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC 86,9 - 89,05 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Công ty Cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý niêm yết giá vàng SJC 86,85 - 89,1 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý là cùng thời điểm, giá vàng thế giới chỉ quanh mốc 2.314 USD/ounce tương đương 71 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC đang nới rộng khoảng cách với thế giới lên hơn 18 triệu đồng/lượng.
Vào sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Ngân hàng Nhà nước cho biết 3 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng, tức chiếm 20% so với quy mô 16.800 lượng chào thầu. Giá trúng thầu duy nhất nhất là 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn 750.000 đồng/lượng so với giá tham chiếu.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu vàng miếng vào 9h30 sáng ngày 8/5/2024. Hình thức đấu thầu theo giá. Khối lượng vàng miếng đấu thầu tương tự như các phiên trước là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.
Tuy nhiên, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô, tương đương 700 lượng, giảm so với mức 14 lô hay 1.400 lượng trong các đợt gọi thầu trước. Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu không thay đổi ở mức 20 lô (tương đương 2.000 lượng).
Như vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ số lô tối thiểu doanh nghiệp được phép đặt thầu từ 1.400 lượng xuống 700 lượng, số thành viên tham gia trả giá và trúng thầu tăng lên so với trước đó.
Đây là lần thứ 5 Ngân hàng Nhà nước thông báo tổ chức đấu thầu vàng miếng. Trước đó, trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4 cũng chỉ bán được 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng chào bán (tương đương 20%). Tổng số lượng vàng đấu giá thành công sau hai phiên này là 6.800 lượng.
Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng. Tuy nhiên, sau một loạt phiên đấu thầu thất bại, giá vàng SJC không những không được kéo xuống mà còn leo lên mức đắt đỏ nhất từ trước tới nay. Chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới cũng được nới rộng hơn, đang ở mức 18 triệu đồng/lượng và nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì rất có thể khoảng cách này sẽ tiến lên mốc 20 triệu đồng.
Tình hình này khiến thị trường và cả Ngân hàng Nhà nước rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục tổ chức đấu thầu thì nguy cơ ế hoặc lại phải hủy hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu ngưng thì nghĩa là thừa nhận chính sách thất bại, không có hiệu quả.
NGHỊ ĐỊNH 24 CẦN SỬA ĐỔI NGAY LẬP TỨC
Trước bối cảnh nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp “chữa cháy”, giải pháp căn cốt cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, không nên đấu thầu vàng vì mục tiêu đấu thầu vàng để kéo giá xuống sẽ không thành công. Hiện, mức chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới là điều "phi lý".
Vị chuyên gia này gợi ý, muốn kéo giá vàng SJC xuống chỉ có cách cho nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, việc này không lo ảnh hưởng đến tỷ giá vì một năm tỷ giá cho nhập vàng chỉ khoảng 3 tỷ USD.
“Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đưa ra một phương án khác, nếu muốn giảm giá vàng thông qua đấu thầu vàng thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 71 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 71 triệu đồng/lượng, có như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 71 triệu đồng/lượng và bán ra 72 triệu đồng/lượng. Bán ra với mức giá 85 triệu để bán lại với giá 80 triệu thì không đơn vị nào tham gia.
"Đơn vị đấu thầu để tăng cung lại có "hại" cho chính mình, mua giá cao - bán giá thấp, doanh nghiệp sẽ chết. Vì vậy, nguyên tắc đấu thầu để giảm giá chẳng có cách nào khác là tăng nguồn cung bằng cách cho phép các đơn vị kinh doanh vàng xuất nhập khẩu tự do và quản lý bằng thuế", ông Nghĩa nói.
Từ việc giá vàng tăng phi mã, vượt qua mọi kỷ lục trong thời gian qua và có mức chênh lệch rất lớn so với giá vàng thế giới, vị chuyên gia này nhận định ngoài lý do nguồn cung chưa có sự thay đổi nào, một lý do khác đó là việc độc quyền không cho nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng quan điểm với ông Lê Xuân Nghĩa, nhiều người cũng bày tỏ sự khó hiểu, không rõ Ngân hàng Nhà nước dựa vào căn cứ nào đưa ra mức giá chào thầu là 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng trên thế giới hơn 14,8 triệu đồng/lượng. Trong khi Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được phép nhập khẩu vàng, sản xuất vàng miếng nên mức giá chênh lệch là rất lớn và vì thế sẽ khó có thể kéo giá trong và ngoài nước lại gần hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã từng chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước không chỉ có hai lựa chọn là tiếp tục, hoặc ngừng đấu thầu, mà còn có lựa chọn thứ ba, đó là tổ chức đấu thầu vàng với những yêu cầu, điều kiện, giá... phù hợp với bối cảnh thị trường và mục tiêu của Nhà nước. Và để làm được điều này, cần có một cuộc họp liên ngành giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các ngân hàng để tìm kiếm mục tiêu chung trong vấn đề tổ chức đấu thầu, quản lý thị trường vàng.
“Tuy nhiên, trên hết, chúng ta vẫn phải khẳng định lại một lần nữa, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, còn trong thời gian tới, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành và Ngân hàng Nhà nước không nên trực tiếp gánh trách nhiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất - nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Và chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay”.