Sơn La: Thu hồi đất của DN này trao cho DN khác rồi… bỏ hoang!

Đây là câu chuyện có thật tại tỉnh Sơn La, khi bằng quyết định hành chính mang tính áp đặt, chính quyền tỉnh Sơn La tổ chức thu hồi gần 2ha đất của Công ty CP Giang Sơn cho doanh nghiệp (DN) khác thuê làm nhà máy may nhưng sau đó… bỏ hoang!

Đơn vị được UBND tỉnh Sơn La “tin tưởng lựa chọn” cho thuê 1.99 ha đất thu hồi từ Công ty CP Giang Sơn là Công ty cổ phần may DNN. Tuy nhiên sau khi nhận được quyết định làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy may DNN, Công ty cổ phần may DNN đã… bỏ hoang đất, không rốt ráo triển khai thực hiện dự án như kỳ vọng của chính quyền tỉnh Sơn La. Cực chẳng đã, sau hơn 2 năm chờ đợi, UBND tỉnh Sơn La đã phải ban hành Quyết định số 286/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 chấm dứt hoạt động và thu hồi quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Đơn phản ánh và kêu cứu khẩn cấp của ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Giám đốc Công ty CP Giang Sơn gửi tới Thương Gia
Đơn phản ánh và kêu cứu khẩn cấp của ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Giám đốc Công ty CP Giang Sơn gửi tới Thương Gia

2 lần đất dự án bị thu hồi 1 phần

Trong đơn phản ánh và kêu cứu khẩn cấp gửi Tạp chí Thương Gia, ông Nguyễn Văn Hùng - sinh năm 1953, Giám đốc Công ty CP Giang Sơn, (ngụ tổ 11, phường Quyết Tâm, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết, năm 2004, Công ty CP Giang Sơn được UBND tỉnh Sơn La giao 89.341 m2 đất để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư mới Đông Nam bến xe thị xã Sơn La (nay là thành phố). Thực hiện các quyết định của tỉnh, trong 18 năm qua Công ty CP Giang Sơn đã triển khai dự án đúng tiến độ và hoàn thành được một phần dự án; phần còn lại do có quá nhiều yếu tố khách quan gây cản trở nên dự án lâm vào bế tắc không lối thoát.

“Một trong những yếu tố khách quan gây cản trở đó là việc thu hồi đất của dự án (đã được Thủ tướng giao đất theo quyết định số: 611/QĐ-TTg ngày 08/06/2004) để sử dụng vào công việc khác là làm trái mục đích sử dụng đất ban đầu. Khi thu hồi lại không tiến hành đền bù thiệt hại cho Công ty theo quy định tại Điều 26 khoản 3, khoản 5 của Luật Đất đai”, ông Hùng bức xúc.

Đất thu hồi để bố trí tái định cư Quốc lộ 6 (vùng được đánh dấu)
Đất thu hồi để bố trí tái định cư Quốc lộ 6 (vùng được đánh dấu)

Cụ thể, từ tháng 11/2004 đến tháng 5/2005, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 3.785 m2 đất của công ty để bố trí tái định cư Quốc lộ 6. Lần thu hồi này không phải là mục tiêu của dự án nhưng do việc thu hồi đất để phục vụ cho việc ổn định chính trị - xã hội tại địa phương nên công ty đã chấp thuận giao và yêu cầu UBND tỉnh thanh toán cho công ty chi phí đầu tư theo quy định. Mặc dù có rất nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng công ty mới chỉ được thanh toán, trả một phần. Phần còn lại đến nay vẫn chưa được thanh quyết toán, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi những vướng mắc trong việc giải quyết thu hồi đất năm 2005 chưa được giải quyết, những văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh vẫn chỉ nằm trên giấy thì đến ngày 30/12/2015, UBND tỉnh Sơn La lại ban hành Quyết định số 3379/QĐ-UBND về việc: “Thu hồi đất đã giao cho Công ty CP Giang Sơn xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư; cho Công ty cổ phần may DNN thuê đất để xây dựng nhà máy may DNN tại TP. Sơn La”. Số diện tích đất thu hồi lần này là 19.990 m2.

Lợi ích của chủ đầu tư không được tôn trọng

Điều đáng nói, cả hai lần thu hồi đều không có sự thống nhất với Công ty CP Giang Sơn. Việc thu hồi đã làm thay đổi quy hoạch và thay đổi tổng mức đầu tư dự án, dẫn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án kéo dài.

“Việc thu hồi này đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch và mục tiêu ban đầu của dự án, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và nhiều mặt khác; đặc biệt làm mất đi cơ hội kinh doanh của chủ đầu tư khiến Công ty CP Giang Sơn rơi vào cảnh vô cùng khó khăn và bế tắc về mọi mặt, đẩy doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao nhiều năm nay” – ông Hùng cho hay.

Vùng đất thu hồi từ Công ty CP Giang Sơn để cho Công ty cổ phần may DNN thuê đất xây dựng nhà máy may DNN (vùng đánh dấu màu đỏ)
Vùng đất thu hồi từ Công ty CP Giang Sơn để cho Công ty cổ phần may DNN thuê đất xây dựng nhà máy may DNN (vùng đánh dấu màu đỏ)

Cũng theo ông Hùng, mọi ý kiến của doanh nghiệp đều không được chấp thuận mà chỉ có một điều kiện duy nhất là phải bàn giao đất. Khi Công ty Giang Sơn chưa chấp thuận bàn giao đất thì UBND tỉnh đã cho Sở Tài nguyên và Môi trường tự ý bàn giao.

“Quyền sử dụng đất được pháp luật công nhận là một loại tài sản. Việc UBND tỉnh ra quyết định thu hồi tài sản của Công ty CP Giang Sơn để cho doanh nghiệp khác thuê mà không được sự đồng ý của công ty là xâm phạm đến tài sản của doanh nghiệp” – Giám đốc Công ty Cổ phần Giang Sơn bức xúc nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Trọng Hưng – Giám đốc Công ty Luật VLG cho rằng, một điều chúng ta cần hiểu rõ là mối quan hệ giữa chính quyền tỉnh Sơn La và chủ đầu tư liên quan đến dự án không phải là mối quan hệ hành chính mà là mối quan hệ dân sự, chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đất đai nên UBND tỉnh và chủ đầu tư là hai tổ chức bình đẳng trước pháp luật. Chính quyền không thể can thiệp vào hoạt động của chủ đầu tư bằng mệnh lệnh hành chính, áp đặt ý chí chủ quan để buộc Công ty Giang Sơn phải làm theo mà không dựa trên các quan hệ pháp luật.

Nếu dùng mệnh lệnh hành chính để giải quyết thì quyền và lợi ích của chủ đầu tư theo luật không được tôn trọng và sẽ dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp” – ông Hưng nói.

Thanh tra nói sai, chính quyền vẫn chưa khắc phục

Trong Kết luận thanh tra 1035/K-TTCP ngày 30/6/2021 của Thanh tra Chính phủ về “Trách nhiệm của UBND tỉnh Sơn La trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La”, Thanh tra Chính phủ khẳng định, tại thời điểm UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định 3379/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 thu hồi đất đã giao cho Công ty CP Giang Sơn, để giao cho Công ty DNN thuê; không có trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của UBND TP Sơn La; là vi phạm Điều 52 Luật Đất đai 2013 (năm 2016, dự án mới được đưa vào Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của thành phố).

Nội dung trong Kết luận thanh tra 1035/K-TTCP ngày 30/6/2021 của Thanh tra Chính phủ
Nội dung trong Kết luận thanh tra 1035/K-TTCP ngày 30/6/2021 của Thanh tra Chính phủ

Cũng theo Kết luận thanh tra, việc UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty CP Giang Sơn giao cho Công ty DNN thuê để xây dựng nhà máy may DNN là vi phạm Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.

“Để xảy ra một số tồn tại, hạn chế nêu trên, trong đó có trách nhiệm của UBND tỉnh Sơn La, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường… theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị” – Kết luận thanh tra nêu rõ.

Trước những sai phạm trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nội dung: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện quyết định chủ trương, thu hồi đất và giao đất cho Công ty Cổ phần may DNN thực hiện không đúng quy định; thực hiện thu hồi và quản lý đất giao cho Công ty Cổ phần may DNN theo quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ.

Mặc dù đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ cách đây gần 1 năm nhưng cho đến nay, chính quyền tỉnh Sơn La vẫn chưa có động thái gì về việc sẽ đưa nội dung trên vào lộ trình để giải quyết khiến cho niềm tin của doanh nghiệp cứ “chết dần, chết mòn” theo năm tháng.

Thương Gia sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vào các kỳ tiếp theo!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...