Năng lực tài chính tăng trưởng mạnh
HDBank đã sáp nhập thành công DaiABank và mua lại SGVF kể từ năm 2013, đánh dấu cột mốc quan trọng, đưa HDBank trở thành một trong những ngân hàng TMCP quy mô lớn tại Việt Nam. Sau khi sáp nhập DaiABank và HD Saison, HDBank đã có sự phát triển nhanh và ổn định.
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, HDBank đạt 2.063 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tính đến ngày 30/6/2018, tổng tài sản của HDBank đạt 191.293 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78,8% kế hoạch năm 2018.
Trong khi đó, trải qua chặng đường dài tái cơ cấu, SCB (ngân hàng hợp nhất đầu tiên giữa SCB - TinNghiaBank - Ficombank vào cuối năm 2011) đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường tài chính. Tính đến ngày 30/6/2018, tổng tài sản của SCB tăng 33.446 tỷ đồng so với đầu năm, đạt mức 476.673 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ được SCB duy trì ở mức thấp, lần lượt là 0,67% và 0,51%, nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của SCB đạt 94 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. SCB cũng đã trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.850 tỷ đồng, nâng quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng lên trên 8.00 tỷ đồng.
Tại thời điểm sáp nhập vào SHB vào năm 2012, nợ xấu của Habubank là 3.729 tỷ đồng, chiếm 23,66% tổng dư nợ của ngân hàng. Nợ xấu của SHB sau sáp nhập là 8,69%. Trải qua giai đoạn đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu để tăng tốc trở lại, kết thúc quý I/2018, SHB đạt 502 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dự kiến cả năm đạt 2.050 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3%.
Hoàn thiện hệ sinh thái khách hàng
Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ, đa năng, hiện đại hàng đầu Việt Nam, SCB xác định công nghệ thông tin là một trong những nền tảng hoạt động quan trọng.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho hay, thời gian qua, Ngân hàng đã không ngừng đầu tư phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống core banking (ngân hàng lõi) và ngân hàng điện tử (digital banking). Trong năm 2018, SCB tiếp tục nâng cấp hệ thống core banking phiên bản mới nhất Flexcube 12.4 có tích hợp cả ngân hàng điện tử.
Với HDBank, ngân hàng này tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa và tín dụng tiêu dùng, hoạt động M&A. Việc nhận sáp nhập PGBank sẽ giúp HDBank mở rộng mạng lưới hoạt động.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDS) nhận định, việc sáp nhập này sẽ giúp HDB trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 2 trong các ngân hàng tư nhân, từ vị trí thứ 5 hiện nay.
Đồng thời, việc hoàn tất thương vụ M&A trên sẽ giúp HDBank mở rộng mạng lưới bán lẻ thông qua các khách hàng của Petrolimex, mở rộng hệ sinh thái khách hàng hiện tại (thông qua Vietjetair).
Thương vụ M&A trên dự kiến sẽ được hoàn tất trong tháng 8/2018. Như vậy, sau một thời gian dài trầm lắng, làn sóng M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng lại được “hâm nóng” bởi thương vụ PG Bank - HDBank.
Thậm chí, theo nhận định của ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam, lĩnh vực tài chính - ngân hàng, fintech vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Lý do là vì, mặc dù có dân số hơn 93 triệu người, nhưng hiện 70% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng; xu hướng tiêu dùng của giới trẻ hiện nay cũng rất khác, sẵn sàng đi vay để tiêu dùng. “Đây là cơ hội để phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng cũng sẽ mang lại cơ hội cho thị trường M&A trong lĩnh vực này”, ông Thinh nói.
Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh rằng, kế hoạch tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng đến năm 2020 sẽ mang lại nhiều bước đột phá thị trường M&A Việt Nam trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Theo Đầu tư