Thanh khoản hệ thống ngân hàng có thực sự căng?

Trên dòng chảy thời gian qua nổi lên thông tin, lãi suất liên ngân hàng vọt lên mức 13%/năm. Do đó, nhiều người cho rằng thanh khoản hệ thống đang cực kỳ căng cứng...
Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn
Ảnh minh hoạ

Con số 13%/năm kia hoàn toàn chính xác. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong phiên giao dịch ngày 2/2, lãi suất vay mượn nhau giữa các ngân hàng với nhau tăng mạnh 3,39 điểm phần trăm, lên mức 13%/năm.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, giao dịch trên liên ngân hàng thường mang tính chất ngắn hạn dưới 1 tháng. Hiếm có thành viên nào lên thị trường này để vay mượn với kỳ hạn dài. Theo đó, doanh số các kỳ hạn dài chỉ chiếm khối lượng rất nhỏ.

Thực tế, trong phiên ngày 2/2 trên, chỉ có 200 tỷ đồng kỳ hạn 9 tháng được giao dịch, tương đương gần 0,1% khối lượng toàn thị trường. Vì vậy, có thể hiểu rằng, lãi suất 13%/năm chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và không thể hiện cho toàn bộ hệ thống. Thậm chí, lãi suất tại kỳ hạn này cũng nhanh chóng hạ nhiệt ở phiên sau đó, xuống còn 9,61%/năm.

Còn về nhận định thanh khoản hệ thống đang cực kỳ căng cứng. Quả thật, thanh khoản đang có một vài diễn biến đáng chú ý. Cuối tuần trước (3/2), số tiền cơ quan quản lý phải hỗ trợ nguồn lên tới hơn 101.000 tỷ đồng. Vào các năm trước, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xu hướng hút ròng mới là chủ đạo.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn hỗ trợ thanh khoản qua việc tiếp tục việc mua bổ sung dự trữ ngoại hối. Trong khi nghiệp vụ trung hòa thông qua kênh tín phiếu được thực hiện không nhiều.

Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng đang có hướng tăng. Nếu như đầu năm 2023, mức lãi suất kỳ hạn qua đêm lùi về sâu dưới mốc 3%/năm thì nay đã vượt 6%/năm. Các kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng cũng giao động quanh vùng cao, từ 6,5-8,2%/năm.

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng cũng là hàn thử biểu cho thanh khoản hệ thống. Khi lãi suất tăng, thanh khoản hệ thống gặp khó khăn. Ngược lại, lãi suất giảm thể hiện thanh khoản đang dồi dào.

Song mức lãi suất như đã nói vẫn chưa phải quá cao. Vào quý cuối năm 2022, đã từng có thời điểm, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vọt hẳn lên hơn 8%/năm. Như vậy, chỉ có thể nhận định rằng, thanh khoản hệ thống không căng cứng mà chỉ bớt dồi dào hơn trước.

Thực tế, đến phiên giao dịch ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút ròng hơn 20.500 tỷ đồng từ thị trường thông qua kênh thị trường mở. Theo đó, khối lượng các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ nguồn giảm xuống còn gần 91.300 tỷ đồng.

lãi suất liên ngân hàng chưa quá căng thẳng
Lãi suất liên ngân hàng chưa quá căng thẳng. Nguồn: Wichart

Mặc dù bị hút ròng, song lãi suất liên ngân hàng chủ yếu giảm. Các kỳ hạn giao dịch tại: qua đêm 6,12%/năm; 1 tuần 6,54%/năm; 2 tuần 7,08%/năm và 1 tháng 7,76%/năm.

Ở diễn biến liên quan, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư 26 về việc tính tỷ lệ đảm bảo an toàn (tỷ lệ LDR), trong đó thay đổi đáng chú ý nhất đến từ lộ trình nới lỏng hơn trong việc tính tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Khác với dự thảo trước đó, Thông tư 26 này có thể được nhìn nhận là một cách hỗ trợ thanh khoản thị trường về trung và dài hạn, khi không loại bỏ lượng tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng ra khỏi công thức tính.

Chỉ số LDR (Loan to Deposit) là tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động. Cùng với chỉ số tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, LDR là một trong hai chỉ số cơ bản nhất thể hiện khả năng thanh khoản, đặc biệt là thanh khoản kỳ hạn của ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm