Sáng 20/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Đến 9h00, số cổ đông tham dự đại hội là 201, đại diện hơn 2 tỷ cổ phần có quyền tương đương tỷ lệ sở hữu là 79,2% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại đại hội, một trong những nội dung được cổ đông đặc biệt quan tâm là việc MSB sẽ thoái vốn tại TNEX Finance và góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Cụ thể, MSB dự kiến tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển nhượng một phần vốn hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại TNEX Finance. Việc chuyển nhượng sẽ giúp MSB có thêm nguồn lực để tăng cường khả năng tài chính, mở rộng quy mô, tiếp tục đầu tư công nghệ và các dự án tiềm năng, qua đó tập trung thúc đẩy kinh doanh mảng hoạt động lõi.
Chia sẻ thêm về tờ trình, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho hay, thoái vốn khỏi TNEX Finance là kế hoạch được ngân hàng thận trọng cân nhắc, không chỉ riêng với năm 2025 mà cả thời gian trước đó, do diễn biến thị trường có những tác động bất lợi tới các công ty tài chính trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, dự báo cho thấy ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới và còn nhiều dư địa phát triển do tỷ lệ thâm nhập còn thấp. Do vậy, MSB sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông về vấn đề này và triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi.
"Hiện tại, TNEX đã có khoảng 3 nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, đối với phân khúc công ty tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước có những quy định chặt chẽ. Do đó, MSB đang sàng lọc thêm để phù hợp quy định ví dụ như phải xếp hạng tín nhiệm từ A- trở lên", ông Linh nhấn mạnh.
Còn về việc góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ông Linh cho hay, việc “lấn sân” sang lĩnh vực chứng khoán là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai, trên cơ sở hoàn thiện hệ sinh thái cho ngân hàng, tập trung vào khách hàng cá nhân.
"Chúng tôi sẽ lựa chọn công ty chứng khoán có tổng kết tài sản sạch sẽ, vốn điều lệ khoảng 300 - 500 tỷ đồng. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành tăng vốn để phù hợp với định hướng của ngân hàng trong thời gian tới", ông Linh nói.
Được biết, việc tham gia công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư sẽ mang lại cho MSB khá nhiều lợi ích.
Thứ nhất, MSB có thể xây dựng và phát triển mô hình tài chính toàn diện, dựa trên việc cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói như: Môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư chứng khoán đến quản lý tài sản và đầu tư quỹ…
Thứ hai, ngân hàng dễ dàng tiếp cận và mở rộng lĩnh vực hoạt động sang quản lý tài sản (Wealth Management), phục vụ khách hàng tiềm năng muốn đầu tư vào các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp.
Thứ ba, MSB có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường vốn, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực để Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging market), mở ra cơ hội đón dòng vốn ngoại. Trong bối cảnh đó, MSB sẽ có lợi thế lớn khi vừa cung cấp dịch vụ ngân hàng thương mại vừa hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh ngân hàng đầu tư.
Quay lại với phiên đại hội, trước những lo lắng của cổ đông về ảnh hưởng của thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng cho Việt Nam sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng cao, ông Linh chia sẻ, MSB đang có tổng dư nợ khoảng 191.000 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng của các ngành dự báo bị ảnh hưởng như gỗ, dệt may, cá tra... chiếm tỷ trọng khoảng 9%.
"Nếu trong trường hợp xấu nhất, nợ xấu của nhóm này chỉ tăng lên khoảng 2,9%, tức vẫn thấp hơn yêu cầu 3% của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đây chỉ là con số dự báo xấu nhất của riêng nhóm ngành này. Còn tổng tỷ lệ nợ xấu của cả ngân hàng thì MSB vẫn sẽ giữ ở 1,9%", ông Linh trấn an cổ đông.
Sau khi được giải đáp các thắc mắc, tất cả các tờ trình cho năm 2025 của MSB đều được đại hội đồng cổ đông thông qua gồm tăng vốn điều lệ từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận tích lũy chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ; tổng tài sản tăng thêm 9% lên 350.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng 20%; lợi nhuận mục tiêu 8.000 tỷ đồng, tăng 16%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.