Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước xem xét, đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp sau đây:
- Có nguy cơ mất khả năng chi trả;
- Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán;
- Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;
- Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.
Thẩm quyền quyết định đặt ngân hàng vào kiểm soát đặc biệt được quy định tại Khoản 1 Điều 145a Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định đặt các ngân hàng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017 vào kiểm soát đặc biệt.
Trong hệ thống ngân hàng hiện nay có 04 ngân hàng thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân Hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank). Các ngân hàng này đều đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng và đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển giao bắt buộc. Cụ thể, MB Bank đã được giao hỗ trợ Ocean Bank; HDBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ Dong A Bank và Vietcombank được giao CBBank. Trong khi đó, thị trường “râm ran” thông tin VPBank sẽ nhận nhiệm vụ hỗ trợ GPBank.
Trong 04 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt này, Dong A Bank “nổi tiếng nhất” do liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) về hành vi lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái pháp luật, gây nên “đại án trong ngành ngân hàng”.