Thị trường xuất khẩu tôm sẽ bùng nổ

Thị trường tôm ở ĐBSCL đang có nhiều thuận lợi. Cán cân lệch về phía cầu khi nguồn cung từ “mỏ tôm” của một vài nước chỉ tăng nhẹ trong khi nguồn cầu dồn dập rộng mở.
Thị trường xuất khẩu tôm sẽ bùng nổ

Chuyển động thị trường

Mặt hàng tôm sẽ bứt tốc từ nay đến cuối năm, góp phần tăng kim ngạch XK thủy sản đạt trên 7 tỷ USD. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm Sao Ta lạc quan: Năm 2017 XK tôm của Sao Ta có khả năng chạm mốc 150 triệu USD, tăng 20 triệu USD so năm 2016.

Vừa qua, cùng với một số DN trong ngành thủy sản Việt Nam tham dự hội chợ thủy sản quốc tế thường niên tại TP Trạm Giang, nằm về phía tây nam tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, ông Lực cho biết chuyến đi nhằm tìm hiểu đánh giá lại một số thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của VN.

Ông cho rằng: Nhìn trên bình diện tổng thể tôm VN xuất khẩu vẫn còn gặp trở ngại khi hàng rào kỹ thuật ở một số nước kiểm soát ngày càng gắt, khó khăn. Thị trường Mỹ yêu cầu tiêu chuẩn BAP (Best Aquaculture Practices - Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất, từ con giống, ao nuôi, thức ăn…).

Đến các nước EU tuy thị trường rộng cửa với tôm VN nhưng các hệ thống phân phối lớn đòi hỏi tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), đạt chứng nhận ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Như vậy cho thấy tình hình đặt ra là những yêu cầu về vùng nuôi, ao nuôi phải đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây chính là yếu tố khó cho tôm VN khi vào hệ thống siêu thị cao cấp.

Trong khi đó thị trường Trung Quốc, riêng TP Trạm Giang là nơi cung cấp chiếm 70% thị trường tôm nước này. Một số DN lớn trong ngành hàng tôm của TQ cho biết đang cần mua tôm, nhất là loại tôm luộc màu đỏ và VN là nước có “mỏ tôm” cận kề TQ nhất. Năm 2010, TQ từng đạt sản lượng tôm 1,2 triệu tấn, nhưng hiện giảm còn khoảng 700.000 tấn, tương đương với sản lượng tôm VN hiện nay.

Sự sụt giảm được cho là do vùng nuôi gặp khó trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Trong các mặt hàng thủy sản, tôm vẫn là mặt hàng ngon nhất. TQ cần tôm luộc màu đỏ nhưng là tôm nuôi trong ao trải bạt, tôm nuôi ao đất không mua.

Các DN cho rằng: Trở ngại lớn nhất là mua bán qua đường tiểu ngạch với TQ. Do phương thức thanh toán trả trước 30% và sau khi giao hàng qua cửa khẩu rồi mới nhận số tiền còn lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, bao giờ TQ cũng là thị trường lớn cho tôm, cá VN. Và trong bối cảnh hiện nay có thể dự đoán thị trường TQ có thể bùng nổ trong hai ba năm tới.

Tôm trúng mùa, nâng chất lượng

Vùng nuôi tôm lớn nhất nước là ĐBSCL báo hiệu gặp nhiều thuận lợi. Tính từ lúc khởi đầu vụ nuôi tôm chính hay còn gọi là vụ 1, vùng ven biển Trà Vinh tháng 1 tháng 2 thả tôm sớm, sau đó lần lượt tới các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đã lần lượt thu hoạch và hiện vào giai đoạn cuối vụ. Có một số địa phương lại bắt nhịp thả nuôi vụ 2.

Đánh giá kết quả sơ bộ, đa phần diện tích nuôi tôm bán thâm canh trúng mùa. Tại Sóc Trăng, nhiều người nuôi tôm giỏi là thành viên Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, huyện Trần Đề và một số trại nuôi tôm qui mô lớn ở thị xã Vĩnh Châu nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, rủi ro ít, đạt hiệu quả cao. Trong đó đơn cử như trại nuôi tôm Tân Nam trực thuộc Cty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), với 160 ha tôm nuôi theo tiêu chuẩn ASC vừa kết thúc vụ 1 thắng lớn. Dự kiến còn thêm vụ 2 trong năm 2017 sẽ thu hơn 2.000 tấn tôm sạch.

Các DN thủy sản XK ước lượng, sản lượng tôm trong vùng tăng còn có sự cộng hưởng từ 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Nơi đây đang được các DN đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh, góp phần gia tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chung của ngành thủy sản. Song song đó, thị trường tiêu thụ chuyển động theo hướng có lợi. Quí I/2017 tôm mới vào vụ thả nuôi, nguồn cung yếu, tôm tăng giá. Cuối quí II bắt đầu thu hoạch, giá tôm có lúc giảm nhẹ nhưng nhìn chung vẫn giữ mức giá cao. Người nuôi tôm đạt năng suất cao lợi nhuận càng cao.

Trước đây ở vùng bán đảo Cà Mau gần như mặc định với hai hình thức nhà máy gần trực tiếp mua tôm tươi vừa thu hoạch tại ao và đại lý thu mua tôm ngâm (nước đá lạnh) trước khi cung ứng về nhà máy chế biến. Hiện nay tại Sóc Trăng một số nhà máy chế biến thủy sản chuyển đổi cách thu mua, chi thêm chi phí cho xe đến tận ao nuôi thu mua với giá cao hơn loại tôm ngâm (do tôm ngâm bị tăng trọng và bị lạt và xu thế sắp tới khó tồn tại). Tôm chở về nhà máy đúng thời gian qui định và kiểm soát kỹ lưỡng về độ ẩm. Đây là là cách giữ chất lượng tôm tươi, không lẫn tạp chất nhằm nâng cao giá trị.

Hiện nay tôm thẻ chân trắng loại tươi cỡ 40 con/kg bán cho đại lý 145.000 đ/kg thì nhà máy chế biến sẽ thu mua cao hơn 2.000 đ/kg, trong khi đó loại tôm ngâm giá bán 128.000 đ/kg. Dù vậy việc cạnh tranh về giá mua giữa nhà máy và đại lý tại vùng nuôi tôm vẫn còn diễn ra. Do đó mô hình liên kết nhà máy chế biến thủy sản và HTX nuôi tôm, nhằm tổ chức SX theo chuỗi giá trị sẽ cải thiện công tác quản lý, giám sát nâng cao chất lượng tôm nuôi. Đáp ứng theo yêu cầu khách hàng không đồng ý việc truy xuất nguồn gốc mang tính chất nhỏ lẻ thì đây chính là biện pháp khắc phục, tạo chất lượng đồng nhất, dễ bán hàng.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

>> Ngành tôm xuất khẩu Việt Nam có nguy cơ lỡ mất thị trường 800 triệu USD

nongnghiep.vn/xuat-khau-tom-se-bung-no-post199831. http://nongnghiep.vn/xuat-khau-tom-se-bung-no-post199831.html

Có thể bạn quan tâm