Thoái vốn Vietin Aviva đem về cho VietinBank "tiền tươi thóc thật"

Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần riêng quý 2/2017 đạt 559 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ thu 13 tỷ đồng. Đây cũng là quý VietinBank thưc hiện bán toàn bộ 50% vốn góp tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Thoái vốn Vietin Aviva đem về cho VietinBank "tiền tươi thóc thật"

Báo cáo tài chính quý 2 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) vừa được công bố mới đây tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về cả tình hình tài chính lẫn kết quả kinh doanh. Lần đầu tiên, VietinBank cán mốc 1 triệu tỷ đồng tổng tài sản và trở thành ngân hàng thứ ba đạt được mức này sau Agribank và BIDV.

Thoái vốn VietinAviva - lợi đôi đường

Lợi nhuận quý 2 của CTG tăng trưởng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có được nhờ tăng trưởng của hai nguồn thu chính gồm thu nhập lãi thuần và thu nhập góp vốn.

So với đầu năm, cho vay khách hàng và huy động tiền gửi khách hàng Ngân hàng tăng trưởng lần lượt 10,2% và 5,78% lên 692.930 tỷ đồng và 721.967 tỷ đồng. Cùng đó, VietinBank còn nhận được 21.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán của Kho bạc nhà nước.

Thông thường, đây sẽ là nguồn vốn được sử dụng với mục đích chủ yếu là thực hiện các giao dịch thanh toán, linh động cho người gửi tiền và thường khá “rẻ”. Nguồn vốn từ các khoản nợ Chính phủ & NHNN nhờ tăng tiền gửi kho bạc đã đạt xấp xỉ 25.770 tỷ đồng. Trong đó gần 17,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% số tiền này, là tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng.

Nguồn vốn dồi dào hỗ trợ tín dụng, qua đó giúp hoạt động cho vay truyền thống của VietinBank tăng trưởng tốt. Thu nhập lãi thuần tăng 1.433 tỷ đồng, tương đương 24,35%, lên xấp xỉ 7.320 tỷ đồng.

Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần riêng quý 2 đạt 559 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ thu 13 tỷ đồng. VietinBank cho biết đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietin Aviva cho đối tác Aviva International Holdings Ltd. - Tập đoàn Aviva (Anh Quốc) vào ngày 21/4/2017. Đây cũng là thay đổi duy nhất trong cơ cấu danh mục góp vốn, đầu tư dài hạn của VietinBank.

Không kể các công ty con, VietinBank còn góp vốn vào Ngân hàng TNHH Indovina, liên doanh với Ngân hàng Cathay United, và các khoản đầu tư dài hạn khác với giá trị giữ nguyên như hồi đầu năm (430 tỷ đồng).

VietinBank không thuyết minh chi tiết phần lãi chênh lệch từ thương vụ trên nhưng như chia sẻ trước đó của ban lãnh đạo tại ĐHĐCĐ thường niên giao dịch trên dự kiến sẽ có lãi. Đây cũng là thương vụ “lợi đôi đường” của VietinBank.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, dòng tiền thu về từ bán, thanh lý công ty góp vốn liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư, góp vốn dài hạn là 600 tỷ đồng. Bên cạnh việc mang về “tiền tươi thóc thật”, sau giao dịch VietinBank không còn phải hạch toán lỗ khoản đầu tư hàng kỳ theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

Liên doanh bảo hiểm nhân thọ này hoạt động từ năm 2011. Dù giá trị gốc khoản đầu tư của VietinBank là 400 tỷ đồng nhưng đến ngày 31/3/2017, giá trị ròng (sau khi trừ đi lãi/ lỗ của công ty tương ứng với tỷ lệ sở hữu của VietinBank) đã giảm còn 130,6 tỷ đồng.

Tăng vay ngoại tệ liên ngân hàng, tất toán trái phiếu quốc tế 2012

Một giao dịch khác với nhà đầu tư nước ngoài cũng được VietinBank thực hiện trong quý II này là việc tất toán khoản vay trái phiếu quốc tế 250 triệu USD. Số trái phiếu trên được phát hành năm 2012, kỳ hạn 5 năm với lãi suất cố định bằng đồng USD là 8%/năm.

Mặc dù, nguồn vốn từ phát hành giấy tờ có giá giảm tổng cộng khoảng 5.500 tỷ đồng nhưng nhiều nguồn khác tăng giúp tổng tài sản nợ của VietinBank vẫn tăng 9,1% lên xấp xỉ 1,036 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh tiền gửi thanh toán của KBNN tăng vọt thêm 21.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng của VietinBank cũng tăng thêm 37 nghìn tỷ. Trong đó, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tăng từ 13,12% lên 14,19%.

Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tăng thêm 40% so với đầu năm (34.000 tỷ đồng) lên 119 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vay TCTD khác bằng ngoại tệ xấp xỉ 41 nghìn tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo Thanh Thủy/NDH

>> Vietinbank đã thoái toàn bộ vốn tại bảo hiểm VietinAviva

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...