Thủ tướng: Chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 4/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển. Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế.

Do đó, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi. Chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Theo Thủ tướng, ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó. Nhìn rộng hơn, những ngành có nhiều quan hệ với người dân và doanh nghiệp phải đóng vai trò tiên phong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng. 

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng nêu rõ quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập, kết nối, khai thác dữ liệu dân cư, bảo hiểm, thuế… còn ở phạm vi hẹp. Bên cạnh đó, sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế; tội phạm công nghệ cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn…

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số; đánh giá kỹ tình hình, kết quả, nguyên nhân, hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế; phân tích, dự báo tình hình sắp tới, xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; xây dựng chương trình chuyển đổi số toàn ngành với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp, cụ thể.

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu:

Một là, cần chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

Hai là, chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.

NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Ba là, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Năm là, quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC), công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…

Xem thêm

Ngày 11/5 là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng”

Ngày 11/5 là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng”

Ngày 11/5 được chọn là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” bởi đây là ngày Thống đốc NHNN, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 810/QĐ-NHNN).

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...