Làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc huyện Thường Tín, trải qua bao thăng trầm, nay đã thực sự hồi sinh. Những ngày giáp Tết Quý Mão này, không khí trong làng càng trở nên bận rộn bởi những dòng khách tây, ta kéo về làng để mua hàng lưu niệm.
Thanh Bình – một thương hiệu mà hầu hết du khách về đây đều biết đến. Sản phẩm sơn mài do chính nữ doanh nhân Thanh Bình làm chủ nhiều năm nay đã vượt ra khỏi “biên giới làng” để đi thật xa, đến với các “Thượng đế” cả trong nước và thế giới.
Một chữ duyên gắn kết một cuộc đời
Bình có hơn chục năm sống, học tập và làm việc tại Liên bang Nga thuộc Liên bang Xô viết cũ. Chị đã để lại quãng tuổi trẻ đẹp nhất của mình trên miền bạch dương tuyết trắng. “18 tuổi chưa qua vòng tay cha mẹ bỗng đến một vùng trời xa lắc.
Lúc đầu chỉ biết khóc và khóc vì nhớ nhà. Nhưng cũng vào chính khoảng thời gian đó, có những người phụ nữ đã vòng tay ôm lấy chúng tôi, lau đi những giọt nước mắt tủi hờn của đám con gái còn non nớt... Đó là những bà mẹ Nga – một sự tiếp nối ngọt ngào của tình mẹ đối với những đứa con đến từ Việt Nam. Điều đó khiến suốt cuộc đời này, những người từng sống, học tập và làm việc tại Nga như chúng tôi không bao giờ quên”.
Bình tâm sự. Chị cũng chia sẻ rằng, sự nghiệp của chị ngày hôm nay có bắt nguồn sâu xa từ những ngày đầu non nớt trên xứ bạch dương đó. Những giá trị mà Bình thu lượm được không chỉ là kỹ năng nghề dệt mà còn vô vàn kiến thức về con người, xã hội; kỹ năng sống, vượt qua thử thách, cả cách nhìn về phía trước - đàng hoàng ngay thẳng và khát vọng vươn lên.
Liên Xô đổ. Bình ở lại với thành phố Noginsk thuộc ngoại ô Moscow, Liên bang Nga, tham gia vào guồng máy kinh doanh ngoài xã hội thời hậu Xô Viết. Những trải nghiệm đắt giá thời kỳ này đã trui rèn cho chị bản lĩnh thương trường để khi trở về nước năm 1996, chị nhanh chóng nắm bắt cơ hội và phát huy thế mạnh của mình.
Thời kỳ này, kinh tế Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu, rộng với thế giới, cánh cửa cơ hội mở rộng cho tất cả mọi người. Biết lượng sức mình, Bình chưa vội lao vào những công việc to tát mà tìm đến nghề thủ công truyền thống – chị gọi đó là tinh hoa hồn Việt.
Thời gian đầu làm công ăn lương cho một ông chủ sơn mài, nhờ chịu khó học hỏi, chị trở thành thợ có tay nghề cao, lại có ý thức trách nhiệm, tận tâm với nghề nên luôn được chủ DN tin tưởng…Sau này, vì lý do cá nhân, chủ DN dừng hoạt động. Người lao động trong DN bỗng trở nên bơ vơ, chấp chới vì mất việc làm.
Sau một thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ, Bình quyết định tự mình tổ chức bộ máy kinh doanh – đúng lĩnh vực mà chị được gọi là “thạo nghề”. Chị lặn lội về Hạ Thái, tìm kiếm thợ giỏi và lập ra một đội sản xuất các sản phẩm sơn mài truyền thống. Cơ sở của chị có văn phòng ở Hà Nội để tiện giao dịch cho các đối tác, bạn hàng, đặc biệt là các đối tác xuất khẩu.
“Hồi đó hàng chỉ được làm bằng tay. Thợ dùng nhựa của cây sơn Phú Thọ (loại cây này chỉ mọc ở vùng đất Phú Thọ) để sơn lên sản phẩm, sau đó là đến công đoạn mài. Màu sắc sơn mài hồi đó còn đơn giản vì có rất ít dòng sơn để lựa chọn”. Bình kể.
Gia đình Bình sống tại một con phố trung tâm của Hà Nội - nơi chị sinh ra và lớn lên, gần bên nội lẫn bên ngoại… Thế mà, chỉ vì “cái máu” làm nghề sơn mài - đã làm là phải làm ra tấm ra món, làm đến nơi đến chốn; đã nhìn là phải nhìn thật ngay thẳng, có trách nhiệm với từng sản phẩm của mình… chị đưa con về ở hẳn làng Hạ Thái để làm nghề. Mẹ lo kinh doanh, con học trường làng…Các con chị dần khôn lớn trong vòng tay yêu thương của bà con lối xóm.
Nghề “mỏng da tay, dày da mông”
Hạ Thái là làng nghề sơn mài truyền thống có từ gần hai trăm năm nay. Nghề này đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có giai đoạn dường như đi vào quên lãng…mấy năm gần đây bỗng được vực dậy mạnh mẽ. Công đó thuộc về những nghệ nhân, thợ thủ công của làng Hạ Thái đã cố gắng giữ gìn nghề tổ của cha ông. Bình tuy là người ngoài làng, ngoại đạo nhưng được người làng yêu quý, bao bọc, hỗ trợ về nghề… nên những thành công của chị cũng chính là điểm nhấn trong sự phát triển chung của làng.
“Từ bé tôi đã quen với nhịp sống phố xá. Khi chuyển về Hạ Thái, môi trường làng nghề nông thôn có quá nhiều sự khác biệt. Thời gian đầu ở đây, đêm như dài vô tận với âm thanh thắc thỏm của tiếng ếch, nhái. Mấy tháng sau, khi đã quen với không khí bận rộn của một làng nghề, tôi thấy quyết định của mình chuyển về đây sống là đúng đắn cho một con đường dài dựng nghiệp. Công việc rất thuận tiện, cần sử dụng loại sơn nào, màu nào, đơn hàng bao nhiêu… tôi có thể giải quyết trực tiếp luôn tại xưởng”. Chị kể.
Nói về những ngày đầu lập nghiệp ở Hạ Thái, ngoài thổ lộ tình cảm biết ơn bà con làng xóm, Bình luôn xúc động khi nói về gia đình bố mẹ nuôi với 7 anh em trai của mình. “Mẹ nuôi tôi đã mất cách đây chục năm. Bố nuôi tôi năm nay cũng 84 tuổi rồi. Trước đây 7 người con trai của ông bà là thợ vệ tinh của tôi.
Nhà chỉ toàn con trai, ông bà cũng thèm có một cô con gái. Thấy tôi chịu khó lao động nên ông bà đã nhận tôi làm con nuôi, có sửa soạn mâm cỗ báo cáo tổ tiên đàng hoàng. Ông bà rất tự hào vê cô con gái “bỗng dưng trời cho” của mình. Bố mẹ đẻ của tôi từ Hà Nội về chơi, thăm hỏi, giao lưu với bố mẹ nuôi. Thế là tôi có hai bố hai mẹ”.
Nghề sơn mài còn được gọi là nghề “mỏng da tay, dày da mông”. Người làng kể rằng, trước đây từng có người đi làm giấy tờ cá nhân. Cơ quan công quyền không sao lấy được vân tay của họ vì cái nghề này nó làm mòn hết cả vân tay. Cũng bởi ngày đó người ta dùng tay quấn tóc rồi mài, đánh bóng sản phẩm… Nay sản phẩm được đánh bóng bằng máy, mài cũng bằng máy.
Các màu sơn cũng được du nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Đức… với nhiều màu sắc. Tuy nhiên, công đoạn sơn và mài là hoàn toàn không thay đổi. “Đó chính là bản chất của sơn mài. Thành phẩm cho một sản phẩm thời nay cần tới khoảng trên 30 lớp sơn chứ không chỉ vài lớp như ngày làm sơn mài hoàn toàn bằng tay”. Chị kể.
“Mối nhân duyên” nghề và những đam mê bùng nổ
Ai đó đã nói “Có bạn có ta đường xa hóa gần”. Sau hơn chục năm về Hạ Thái thành lập cơ sở kinh doanh, sản xuất sơn mài phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, thương hiệu Thanh Bình đã trở nên quen thuộc với khách hàng trong nước và quốc tế.
Chị thường xuyên tham gia các hội chợ làng nghề, hội chợ du lịch, triển lãm sơn mài trong nước để đưa sản phẩm mang thương hiệu Thanh Bình đi xa hơn nữa. Chị cũng đoạt nhiều giải thưởng về thiết kế mẫu của thành phố. Gần đây nhất, tháng 10/22, chị đoạt giải ba thiết kế mẫu với tác phẩm “Lọ sơn mài vẽ lập thể”.
“Có được thành công đó cũng nhờ một yếu tố rất quan trọng với tôi – đó là mối nhân duyên nghề với một nghệ nhân trẻ - anh Lã Văn Hùng”. Nữ doanh nhân Nguyễn Thanh Bình tâm sự.
Theo lời chị kể, lúc đầu Bình và Hùng chỉ là hàng xóm, thế rồi thân nhau lúc nào không hay. Từ chỗ chỉ đơn giản là cùng thích một loại sản phẩm, cả hai bắt tay vào thiết kế, tìm tòi mẫu sơn và đưa vào sản xuất. Hai chị em cùng nhau đi các nước trong vùng để học hỏi các mẫu mã mới, màu sơn mới, chất liệu, máy móc mới như đánh bóng, máy mài…
Đồng điệu trong nhận thức về nghề, về sản phẩm, biết lắng nghe nhau, lại cùng có chung một niềm đam mê cháy bỏng với nghề làm sơn mài, hai chị em từng bước hỗ trợ nhau, dựa vào nhau, cộng hưởng sức mạnh để vượt qua nhiều gian nan, cả không ít lần thất bại để tạo ra những tác phẩm, sản phẩm để đời.
“Muốn nhanh thì phải từ từ!”. Đó là kinh nghiệm xương máu trong kỹ thuật làm sơn mài. Nếu sốt ruột muốn sản phẩm khô nhanh, mang ra nắng phơi, sản phẩm sẽ bị nứt hết. Mài đến độ nào, sơn dày đến độ nào phải do kinh nghiệm của thợ. Hanh quá không được, nóng quá không được, ẩm quá thì bị ám (đang phun, màu nâu sẽ chuyển thành màu sương khói).
Khi nhận đơn hàng, phải nghe thời tiết. Những người thợ thủ công đã tìm cách khắc phục tình trạng độ ẩm không khí cao bằng cách lắp đặt máy hút ẩm trong xưởng, sấy thủ công… Tuy nhiên, khi thời tiết nồm ẩm kéo dài thì biện pháp đó cũng không khắc phục được bao nhiêu. Vì vậy mọi hoạt động sản xuất đến nay vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết là chính. “Kinh nghiệm nghề đến 70%. Hàng bị đổ đi nhiều trước khi có được những sản phẩm thành công. Dễ thì ai chẳng làm được”. Bình khẳng định.
Có một bài học Bình và Hùng không thể nào quên. Thời gian đầu, hai chị em chưa có nhiều kinh nghiệm nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Đơn hàng lớn, hàng ngàn sản phẩm đi Mỹ đã bị hỏng. Theo tính toán thì mọi sự đều ổn. Tuy nhiên, hôm đó thời tiết bỗng dưng mưa bão, ẩm thấp khiến sản phẩm không thể khô như nó cần có. Các lớp sơn bị bong rộp, phải làm lại gần như toàn bộ.
Với năng lực thời điểm đó thì không thể hoàn thành đúng thời hạn. Gần như 1 tuần liền hai chị em không thể ngủ được vì lo lắng, căng thẳng để tìm cách giải quyết. Kể lại câu chuyện này mà Bình vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi phát ốm. Xin thêm thời gian sản xuất mà khách không đồng ý.
Lúc đó tôi bàn với Hùng rồi đi đến quyết định hợp tác và lan tỏa nghề ra các làng nghề khác. Tôi phân chia công đoạn: Làng này làm cốt gốm, cốt gỗ; Làng kia làm khảm trai, khảm vỏ trứng gà (cẩn vỏ trứng); Làng Hạ Thái thì làm công đoạn mài… Sau cùng đơn hàng vẫn đảm bảo tiến độ. Khách Mỹ rất hài lòng. Từ đó họ trở thành khách ruột của chúng tôi”.
Bình tự nhận mình là người yêu nghề đến quên cả bản thân. Những thú vui ngày con gái, chị đã để lại đâu đó ở nơi phố thị. Cảm giác thư giãn thực sự của chị - ấy là khi ngồi vẽ một sản phẩm, dồn hết tâm huyết vào sản phẩm để sau đó nhìn thấy nó lấp lánh qua tay người thợ.
Với Hùng, việc thức xuyên nhiều đêm để vẽ một bức tranh lên sản phẩm cốt hay tự mình tiến hành công đoạn mài cho một tác phẩm mà anh cực kỳ tâm huyết… cũng là chuyện thường xuyên xảy ra.
Để cho ra đời tác phẩm “Tình mẫu tử” bằng chất liệu sơn ta + cẩn vỏ trứng: Hùng và Bình đã thực hiện tới hơn 1 năm mới hoàn thành. Theo chia sẻ của Hùng thì vỏ trứng cẩn phải là vỏ của quả trứng đã nở ra gà con. Bóc màng trứng, đảo qua lửa, trộn với cát rang lên, bẻ nhỏ ra, ghép lên bề mặt sản phẩm vóc (cốt đã mài khoảng hai chục lần gọi là vóc) , tạo ra những họa tiết mình muốn đã được vẽ lên trên bề mặt của sản phẩm vóc đó.
Những tác phẩm công phu khác như Bức Phật thiền, Phật an nhiên, bình sen, các sản phẩm dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống như Đám cưới chuột hay những linh vật có mặt trong đời sống sinh hoạt của bà con nhà nông…cũng được hai chị em dày công thiết kế, sản xuất để đưa đến những khách hàng đặc biệt có sự đòi hỏi cao về chất lượng và ý nghĩa nội dung.
Ngày nay, với việc ngày càng nhiều người tìm đến sản phẩm sơn mài, thị trường sơn mài đã và đang phát triển nhanh chóng. Hiện đã có tới 5 dòng thị trường: Xuất khẩu (khách hàng truyền thống là Đức, Áo, Pháp, Úc, Mỹ); Nội địa phục vụ tâm linh, deco dân gian, phục vụ gia đình; Quà tặng hội nghị sinh nhật; Deco khách sạn (các sản phẩm khay nhựa, tủ nhựa, tranh, hiện vật trang trí…).
Những ngày giáp Tết Quý Mão, người phụ nữ có dáng hình cao như người mẫu, mái tóc tém gọn gàng trên gương mặt sáng, cặp mắt đen nhánh vẫn ngày ngày miệt mài với những đơn hàng đến dồn dập.
Vừa thoắt ẩn thoắt hiện ở xưởng đã thấy quầy quả chạy về khu vực cửa hàng, vẫn tươi tắn tiếp khách tây, khách ta… Nhìn chị, thật khó đoán được chị ở độ tuổi nào bởi thần thái trẻ trung và tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết - cứ như một dòng suối đang sôi trào.
Tôi gọi chị là người đàn bà không tuổi.
“Đã làm là phải làm ra tấm ra món, làm đến nơi đến chốn. Đã nhìn là phải nhìn thật ngay thẳng, có trách nhiệm với từng sản phẩm của mình”.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thanh Bình