Cũng theo báo cáo của SSI Retail Reserch diễn biến đồng USD phụ thuộc vào hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nên khi niềm tin giảm lãi suất được củng cố, đồng USD đã quay đầu giảm sau khi phục hồi tuần trước đó nhờ thông tin tích cực từ báo cáo việc làm trong tuần vừa qua.
Theo đó, chỉ số DXY giảm 0,5 điểm xuống 96,8 điểm, trong tuần, EUR và GBP cùng lên giá 0,4%, JPY lên giá 0,5%, CHF lên giá 0,8%.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) được hỗ trợ từ sự yếu đi của USD, tỷ giá hiện ở mức 6,8808 CNY/USD – giảm 0,2% so với cuối tuần trước, về sát mức 6,8785 tại cuối năm 2018.
Trong khi đó ở trong nước, tiền đồng VND tiếp tục lên giá so với USD trong tuần qua, tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 50 đồng/USD, về 23.140/23.260 đồng trên ngân hàng và giảm 30 đồng/USD, về 23.200/23.220 trên thị trường tự do. Như vậy, sau 5 tuần hồi phục, VND lấy lại toàn bộ phần mất giá so với USD trong đợt sóng trước đó, mức tỷ giá hiện tại thậm chí đã thấp hơn tỷ giá tại cuối năm 2018 là 0,11%.
Tỷ giá trung tâm tuần vừa qua giảm 2đ/USD so với tuần trước, ở mức 23.059đ/USD, cao hơn 234đ/USD – tương đương 1,03% so với thời điểm cuối năm 2018. Tỷ giá mua vào của NHNN giữ nguyên ở mức 23.200đ/USD – hiện đã cao hơn tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại tới 60đ/USD.
Theo ghi nhận từ thành viên tham gia thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trở lại mua lượng lớn ngoại tệ, chặn đà rơi của tỷ giá USD/VND. Diễn biến trên thể hiện cuối tuần qua, khi giá USD trên thị trường liên ngân hàng chính thức rơi về mốc 23.200 VND - mức giá mà Sở Giao dịch NHNNniêm yết mua vào.
Nhận định về diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, với việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của NHNN cùng với nguồn lực ngoại hối đã được tăng cường, quan hệ cung-cầu ngoại tệ cơ bản ổn định; tỷ giá USD/VND trong tầm kiểm soát và tăng 2-3% trong năm 2019 là mức chấp nhận được.
Một khuyến nghị với cơ quan quản lý từ nay đến cuối năm đó là cần theo dõi chặt chẽ diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, chính sách tài khóa-tiền tệ của các nước lớn nhằm kiểm soát dòng vốn, có biện pháp cụ thể nhằm cân bằng hơn thương mại với Mỹ; đồng thời, chủ động bám sát, phối hợp để trao đổi với Bộ tài chính Mỹ để có đánh giá khách quan, đúng và tích cực hơn về chính sách tiền tệ-thương mại của Việt Nam (trong kỳ đánh giá kết thúc tháng 9/2019).
>> Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang: Cần hành động đón đầu để tránh cú sốc tỷ giá