Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên "đắp chiếu" (Ảnh Tiền Phong)
Công ty Gang thép Thái Nguyên từng được xem là “cánh chim đầu đàn của ngành luyện kim Việt Nam”, từng là thương hiệu số 1 Việt Nam về thép xây dựng, từng xuất khẩu sang cả trời Âu… Nhưng chỉ sau 10 năm, TISCO hiện đang đứng trên bờ vực thẳm.
Giá vốn cũng tăng mạnh chiếm 2,756 tỷ đồng đã khiến lãi gộp của công ty này giảm 18.6% xuống mức 126 tỷ đồng. Thêm vào đó, hoạt động tài chính ghi âm gần 47 tỷ đồng do chi phí lãi vay. Còn chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể, lên lần lượt là 11.5 tỷ đồng và gần 63 tỷ đồng. Ngoài ra, kỳ này lợi nhuận khác của TIS vỏn vẹn 322 triệu đồng, trong khi cùng kỳ hơn 10 tỷ đồng.
Theo đó, lãi ròng quý 3 của TIS chỉ đạt 4.8 tỷ đồng, giảm tới 89% so mức 44.5 tỷ của cùng kỳ 2016. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của TIS đạt 7,192 tỷ đồng, tăng khá so mức 6,097 tỷ của cùng kỳ 2016 và bằng 80% so kế hoạch năm. Lãi ròng cũng ở mức 78.5 tỷ đồng, giảm 62% so cùng kỳ và chỉ thực hiện được 36% kế hoạch.
Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số vốn đã giải ngân cho dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II là hơn 4.563 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay 1.404 tỉ đồng; Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) 1.869 tỉ đồng; vốn của chủ đầu tư 1.290 tỉ đồng. Số tiền đã giải ngân là rất lớn nhưng nghịch lý là đến nay dự án vẫn "đắp chiếu" và gần như không thể tái khởi động. Hàng ngàn tỉ đồng tại thời điểm đó mà TISCO vay từ nguồn ưu đãi của Chính phủ, các ngân hàng cũng đã trở thành nợ xấu, nợ khó đòi do đầu tư dở dang và ngừng thi công.
Theo hợp đồng tín dụng mà TISCO đã ký với các ngân hàng thì từ ngày 1/1/2017, TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay khoảng 45,5 tỉ đồng/tháng. Do dự án chưa thể tái khởi động, chưa tạo được nguồn trả nợ nên TISCO đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng phép TISCO gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay, đồng thời điều chỉnh thời gian rút vốn phù hợp tiến độ của dự án, tạo điều kiện để TISCO tiếp tục được vay vốn nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động của công ty.
Báo cáo tài chính 9 tháng cũng cho thấy, TISCO đang có hơn 654 tỷ đồng xếp vào diện “nợ xấu” cần thu hồi từ 4 công ty đối tác và hơn 200 tỷ đồng tiền phạt phát sinh từ các khoản nợ quá hạn nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được. Lượng hàng bán ra tăng mạnh cũng giúp hàng tồn kho của công ty giảm khá mạnh so với đầu năm, từ hơn 1.418 tỷ đồng xuống còn hơn 779 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đơn vị này cho biết theo tính toán của nhà thầu thì để hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của dự án theo hình thức EPC, cần phải đầu tư 105,4 triệu USD (tương đương 2.424 tỉ đồng).
Được biết, hơn 2 năm trước Tisco đã phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho SCIC tương ứng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng để lấy vốn đầu tư vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên. Tuy nhiên, số tiền này từ đó vẫn được Tisco đem đi gửi ngân hàng.
Tháng 4 vừa qua SCIC đã quyết định rút 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào Tisco bằng việc giảm vốn điều lệ doanh nghiệp từ 2.840 tỷ đồng xuống còn 1.840 tỷ đồng. Do vậy, khoản lãi tiền gửi nhận về trong quý giảm sút so với trước đó cũng một phần bởi việc rút vốn của SCIC.
Trong một diễn biến mới đây nhất, ngày 14/12, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, đơn vị đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO) sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra.
Đây là diễn biến nằm trong cuộc thanh tra toàn diện dự án. Dù chưa có kết luận cuối cùng, do phát hiện có sai phạm nên Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ.
Theo Mai Anh/An ninh tiền tệ
>> TISCO xin “khất nợ” vì dự án giai đoạn 2 chưa có nguồn thu